Dòng tiền chưa thực sự bùng nổ, nhưng thị trường đang tiềm ẩn nhiều cơ hội mới, với dự báo rằng những đợt "sóng" lớn sẽ sớm đổ về thị trường bất động sản tại các địa phương phía Nam, gần TP.HCM trong thời gian tới.
Thông tin về việc khởi công tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Đà Lạt trước ngày 30/4/2025, kết nối liên vùng từ TP.HCM qua Đồng Nai đến Lâm Đồng, đã thu hút sự chú ý lớn từ các doanh nghiệp và nhà đầu tư bất động sản. Đây được xem là cơ hội vàng được mong chờ nhiều năm qua, hứa hẹn khai phá tiềm năng của vùng Tây Nguyên vốn bị kìm hãm bởi những hạn chế về hạ tầng giao thông.
Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc một công ty môi giới bất động sản tại Lâm Đồng, cho biết từ khi có thông tin khởi công cao tốc, thị trường tại các khu vực như Bảo Lộc, Bảo Lâm, và Di Linh đã ghi nhận những chuyển biến rõ rệt. Số lượng nhà đầu tư quan tâm và giao dịch gia tăng đáng kể, kéo theo giá đất bắt đầu nhích lên. Tuy nhiên, nhiều chủ đất có xu hướng rút lại ý định bán, bất chấp trước đó đã chào hàng nhưng không thành công.
Theo ông Minh, cao tốc sẽ tạo cú hích mạnh cho bất động sản Lâm Đồng, đặc biệt ở những điểm nóng du lịch như Đà Lạt hay Bảo Lộc. Dù vậy, thị trường đã khởi sắc từ trước nhờ Luật Đất đai 2024 và bảng giá đất mới của tỉnh Lâm Đồng, khiến giá đất bắt đầu tăng.
Dự báo trong thời gian tới, khu vực này sẽ thu hút làn sóng đầu tư mới nhờ lợi thế độc đáo về khí hậu, cảnh quan đồi chè, cà phê cùng giá đất còn tương đối “mềm”. Cơ hội đầu tư tại các địa phương lân cận TP.HCM ngày càng rõ rệt, khi hạ tầng giao thông đang được đẩy mạnh phát triển với hàng loạt dự án lớn như cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành, hay đường Vành đai 3 và 4.
Đặc biệt, sân bay Quốc tế Long Thành dự kiến hoàn thành vào năm 2026 sẽ là cú hích quan trọng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế khu vực phía Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Theo nhận định của các chuyên gia thị trường, năm 2025 được xem là khởi đầu của một chu kỳ phát triển mới trong lĩnh vực bất động sản, với nhiều yếu tố quan trọng làm nền tảng. Hạ tầng giao thông tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển tại các đô thị vệ tinh quanh các thành phố lớn, nơi quỹ đất còn phong phú và giá cả hợp lý.
Sau giai đoạn khó khăn và thanh lọc, thị trường đang dần định hình lại. Nhiều doanh nghiệp lớn đã vượt qua giai đoạn thách thức, từng bước tái cấu trúc hoạt động và đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án, chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp mạnh về tài chính đã tận dụng thời gian qua để mở rộng quỹ đất và phát triển các dự án lớn. Điển hình, tháng 8/2024, UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận đầu tư khu đô thị thương mại, dịch vụ Hàm Tiến - Mũi Né (khu III) với vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Tại Khánh Hòa, dự án Caraworld Cam Ranh của Công ty KN Golf Long Thành với quy mô 800 ha đã bán thành công hơn 600 sản phẩm nhà phố hoàn thiện vào cuối năm 2024, với mức giá trung bình 75 triệu đồng/m².
Tại miền Đông Nam Bộ, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục là tâm điểm với các khu đất “vàng” được đưa ra đấu giá. Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, dự án Đường 2 tháng 2 thuộc TP. Vũng Tàu, quy mô gần 100 ha, đã được chấp thuận đầu tư và dự kiến phát triển thành một đại đô thị lớn vào năm 2025.
Trong bối cảnh nguồn cung bất động sản tại các đô thị lớn như TP.HCM ngày càng khan hiếm và giá đất tăng cao, xu hướng giãn dân về các đô thị vệ tinh trở thành tất yếu. Những khu vực vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai, và Long An đang nổi lên nhờ sự kết nối hạ tầng mạnh mẽ, bao gồm các tuyến cao tốc, đường vành đai, và sân bay Long Thành.
Sự phát triển vượt bậc của các khu vực ven TP.HCM với nền tảng hạ tầng ngày càng hoàn thiện đang mở ra cơ hội lớn cho thị trường bất động sản. Đây được xem là thời điểm lý tưởng để đón đầu xu hướng mới, tận dụng tiềm năng phát triển trong giai đoạn tới.
Bất động sản dành cho bạn