Dù có tham khảo ý kiến chuyên gia, người mua nhà vẫn sẽ tự quyết định thời điểm "bắt đáy" dựa trên quan điểm và dự báo cá nhân của mình.
Theo các chuyên gia, mặt bằng lãi suất sẽ là yếu tố quyết định khả năng phục hồi của thanh khoản bất động sản. Chỉ khi nào mặt bằng lãi suất cho vay trung bình giảm xuống dưới 10% một năm, thị trường mới phản ứng và nhu cầu mua nhà đất mới khởi sắc. Đây sẽ là ngưỡng mà người mua cũng như các chủ đầu tư có khả năng chịu đựng được khi đi vay.
Biểu đồ lãi suất là yếu tố quyết định tác động tới việc dòng tiền sẽ quay lại thị trường BĐS hay chưa. Theo quan sát nhiều thập kỷ qua, khi lãi suất cho vay cao, BĐS thường khó khăn, trầm lắng do không có động lực tăng trưởng. Còn khi NHNN hạ lãi suất thì thị trường này sẽ phục hồi theo.
Hiện nay, lãi suất cho vay mua nhà đang phổ biến quanh mốc 13-14% một năm. Nếu con số này vẫn không biến động, nhiều ngành nghề trong đó có BĐS còn tiếp tục khó khăn. Nếu lãi suất cho vay chỉ điều chỉnh quanh ngưỡng 12-13% một năm, dòng tiền nhiều khả năng vẫn bị đứng và nhu cầu mua nhà đất khó tăng trưởng. Phải khi nào mức lãi suất cho vay về quanh mức 8-9% như thời điểm trước dịch thì BĐS mới có cơ hội cải thiện thanh khoản.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc giảm lãi suất là câu truyện khó. Ngân hàng Nhà nước còn phải quan sát động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong các vấn đề điều hành chính sách tiền tệ. Việc tiếp tục giảm lãi suất sẽ gây bất lợi cho tỷ giá USD/VND và có thể đẩy lạm phát lên cao. Chính sách lãi suất của Việt Nam hiện đứng ở ngã ba đường và khó có lựa chọn trọn vẹn.
Bên cạnh đó, dù lãi suất cho vay được điều chỉnh về quanh ngưỡng dưới 10% thì muốn thúc đẩy dòng tiền quay lại thị trường BĐS vẫn phải kèm theo một số điều kiện như, vướng mắc pháp lý triển khai dự án được gỡ bỏ, giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, kinh tế vĩ mô hồi phục song song mới có thể tạo động lực cho thị trường hồi phục…
Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó TGĐ Batdongsan.com.vn, yếu tố chính sách luôn có tác động rất lớn đến thị trường BĐS và thông thường có độ trễ khoảng hai quý. Do đó, với những chính sách vừa được Chính phủ ban hành, thời điểm thị trường đảo chiều, nhu cầu mua nhà đất phục hồi dự báo sớm nhất thì sẽ rơi vào quý 4/2023 hoặc muộn hơn là giữa năm 2024.
Còn theo giới đầu tư, bên cạnh lãi suất thì việc nhiều người không xuống tiền mua BĐS lúc này, nguyên nhân còn đến từ lo lắng về tình hình kinh tế bấp bênh. Nếu kinh tế chung tiếp tục khó khăn đồng nghĩa với điều kiện công việc, thu nhập cố định sẽ có nguy cơ bấp bênh. Điều này kéo theo khả năng chi trả ổn định của khách hàng cá nhân bị đe dọa và họ sẽ không dám xuống tiền, đi vay tiền trong lúc chưa dám chắc về vấn đề duy trì sinh hoạt sống có bị ảnh hưởng hay không.
Chính vì vậy, đi kèm với lãi suất vay giảm, nhiều nhà đầu tư cho rằng, nền kinh tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung cũng phải phục hồi. Công ăn việc làm ổn định thì người ta mới dám nghĩ đến chuyện mua nhà, đầu tư BĐS.
Anh Nghiệm, một nhà đầu tư tại TP.HCM cho biết, trước đây các gia đình trẻ luôn chọn “liều lĩnh” đi vay mua nhà và xem đó là động lực để “cày” trả nợ. Tuy nhiên đó là trong điều kiện họ vẫn có công việc để “cày”. Còn khi kinh tế khó khăn, duy trì thu nhập hàng tháng ổn định cũng là một thách thức với nhiều người trẻ. Đồng nghĩa việc đánh liều đi vay mua nhà trở thành cuộc chơi không biết lượng sức.
Còn anh Vũ Dũng, một nhà đầu tư tại Long An cho rằng, dù lãi suất điều hành trên đà giảm từ đầu năm đến nay, thanh khoản BĐS vẫn trầm lắng. Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng, hơn 20 ngân hàng hạ lãi suất tại nhiều kỳ hạn, đưa mức lãi suất niêm yết cao nhất về 8,5% một năm. Tuy nhiên giao dịch căn hộ và nhà liền thổ đều sụt 80-90% so với cùng kỳ. Với tình hình kinh tế lúc này, để giảm lãi suất về dưới 10% là thách thức lớn.
Thay vì chờ lãi suất giảm để nhu cầu mua nhà đất tăng trở lại, doanh nghiệp cần có hướng đi chủ động hơn như phát triển dự án BĐS phù hợp, giá bán phù hợp với thu nhập số đông, hạ kỳ vọng lợi nhuận. “Tôi nghĩ sớm muộn lãi suất sẽ hạ xuống, nhưng có thể mất nhiều thời gian hơn thị trường kỳ vọng. Vì vậy lúc này, nếu không muốn “ngồi chơi” bản thân thị trường cần tự chủ động tìm hướng đi phù hợp”.
Một nhà đầu tư kỳ cựu trên thị trường chia sẻ, từ giờ đến cuối năm nhu cầu mua nhà đất vẫn sẽ khó tăng mạnh vì đây vẫn là giai đoạn nằm im nghe ngóng. Người mua chưa có đủ cơ sở để phán đoán thị trường sẽ phục hồi vào cuối năm nay hay đầu, thậm chí giữa năm sau. Vì vậy họ không muốn xuống tiền vội vàng.
Tuy nhiên, theo vị này, sau kỳ họp Quốc hội và các dự thảo luật nhà đất được thông qua, chính phủ chắc chắn sẽ có thêm nhiều động thái hỗ trợ tích cực hơn để phục hồi nền kinh tế, BĐS cũng là ngành nghề được ăn theo con sóng phục hồi này. Hầu hết những nhà đầu tư như anh đều tin thị trường vẫn khó khăn từ nay đến cuối năm nhưng đến đầu năm sau thì sẽ bắt đầu hồi phục. Có thể trong giai đoạn đầu của sự phục hồi, BĐS sẽ ít biến động giá bán, nhưng các giai đoạn sau thì rất khó nói. Nếu là bắt đáy BĐS thì nay đến cuối năm bắt là tốt nhất, nhưng đất tốt thì sẽ chẳng giảm nhiều, nên biết lúc nào và bao nhiêu là phù hợp để không đánh mất cơ hội.
Bất động sản dành cho bạn