Trong khoảng thời gian 9 tháng gần đây, lĩnh vực bất động sản đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) lên tới 1,94 tỷ USD, tương đương khoảng 9,6% tỷ trọng tổng lượng FDI. Đáng chú ý là dòng vốn đầu tư này vẫn tiếp tục duy trì sự ổn định và không ngừng gia tăng.
Tổng quan chung về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn luôn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng vị trí thứ 2. Mặc dù tổng vốn FDI vào bất động sản đạt gần 1,94 tỷ USD nhưng con số này vẫn sụt giảm tới 45% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường nhưng vốn FDI vào bất động sản vẫn chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư đăng ký là tín hiệu khả quan. Như vậy, kể từ tháng 6/2023 đến nay, bất động sản đã giành lại ngôi vị thứ 2 và liên tục trụ hạng ở vị trí này.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhận xét, dòng vốn FDI đang cho thấy nhiều cơ hội khi các dự án mới đăng ký tăng mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất. Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều để cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua việc hoàn thiện hóa các tuyến quốc lộ kết nối liên tỉnh đi kèm xây dựng mới và nâng cấp các sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng đi kèm với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư và việc cải cách thủ tục hành chính đã tạo nên sức hút đầu tư cho thị trường.
Riêng với lĩnh vực bất động sản, theo ông Matthew Powell, phân khúc về bất động sản xanh tại Việt Nam được các nhà đầu tư quan tâm. Nhất là khi các cam kết về ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và yếu tố xanh trong bất động sản đã trở thành một yêu cầu quan trọng.
“Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nước ngoài đã có cam kết về giảm thiểu phát thải ròng về 0 đến năm 2030, họ luôn cần lựa chọn phương án xanh hơn đối với bất động sản, kéo theo nhu cầu gia tăng đối với loại hình sản phẩm này. Do đó, các nhà đầu tư tại Việt Nam cần nắm bắt xu hướng thị trường, mang tới thêm các sản phẩm bất động sản đáp ứng các tiêu chí xanh và ESG” – ông Matthew Powell cho biết.
Hiện xu hướng “xanh hóa” đã được ghi nhận đối với các sản phẩm văn phòng, bán lẻ, nhà ở và giờ đây là bất động sản công nghiệp. Một số chủ đầu tư quốc tế và chủ đầu tư Việt Nam có kế hoạch đầu tư vào giải pháp công nghệ cao cho bất động sản công nghiệp nhằm thu hút thêm nhu cầu nhà xưởng xanh và các ngành nghề mang lại giá trị gia tăng cao như điện tử, thiết bị điện, chất bán dẫn. Điều này đồng thời sẽ tác động tích cực tới thị trường, thúc đẩy phát triển theo xu hướng xanh và bền vững hơn.
Nhận định chung về dòng vốn vào thị trường bất động sản, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, cung tiền bắt đầu tăng trở lại từ tháng 3/2023 đến nay và so với cùng kỳ năm trước tăng trên 6%. Khi vòng quay tiền nhanh hơn sẽ thúc đẩy vốn cho doanh nghiệp và người dân tốt hơn.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giai đoạn hiện nay, thị trường bất động sản có một số động lực để phục hồi. Đầu tiên phải kể đến sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ ban ngành với những chỉ đạo sâu sát để giải quyết khó khăn trên thị trường bất động sản. Từ đó tháo gỡ vướng mắc về cả cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đang tiếp tục quá trình tái cấu trúc ở từng phân khúc. Các chủ đầu tư đang xem xét, cân nhắc để tập trung nguồn lực vào các dự án khả thi để nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường, thúc đẩy dòng tiền quay trở lại. Đó là yếu tố quan trọng cho thấy việc tái cấu trúc diễn ra trên toàn thị trường chứ không tập trung cụ thể ở phân khúc nào – ông Thịnh phân tích.
Đặc biệt, từ năm 2023, Chính phủ có Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" cũng giúp đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc thị trường, đổi mới hoạt động, tăng cường năng lực của thị trường một cách nhanh nhất.
Lý giải vì sao thị trường bất động sản Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại trong khi thị trường chung có nhiều khó khăn, TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho biết, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang bất ổn. Việt Nam là thị trường mới nổi có nền kinh tế xã hội ổn định, tốc độ đô thị hóa ở mức cao được xem là điểm đến ổn định, có biên lợi nhuận tốt. Ông cũng cho biết, so với năm trước, danh mục đầu tư của Savills Việt Nam hiện tăng gấp đôi và hầu hết thương vụ đang trong giai đoạn đàm phán.
Ở góc độ tiềm năng, ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, trong dài hạn, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng và đây là lý do vốn ngoại mong muốn gia tăng thị phần. Các thương vụ trong tương lai được ông kỳ vọng sẽ cải thiện nguồn cung, mang đến nhiều sản phẩm chất lượng và đa dạng.
Tuy nhiên, dù đặt sự quan tâm rất lớn tới thị trường bất động sản Việt Nam nhưng các thương vụ M&A của nhà đầu tư nước ngoài cũng đối mặt với không ít khó khăn. Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng việc tìm ra một dự án tiềm năng là rất khó bởi thị trường còn mang nặng tính địa phương nên nhà đầu tư muốn liên doanh, liên kết và M&A hơn là giao dịch bất động sản thuần túy.
Thận trọng hơn, có ý kiến cho rằng, khi các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn buộc phải bán ra và nhà đầu tư ngoại với tiềm lực tài chính mạnh thâu tóm ít nhiều tiềm ẩn nguy cơ với việc kiểm soát của thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài là những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ có sự quản trị rủi ro rất tốt. Bởi vậy, chắc chắn họ sẽ không bỏ tiền ra “ôm cục nợ”. Nói như ông David Jackson, hãy xem đây là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản trong nước thay đổi chiến lược kinh doanh, cân đối dòng tiền và tinh gọn mô hình quản trị giúp giành thị phần và phát triển.
Dự báo thị trường M&A từ nay tới cuối năm, chuyên gia cho rằng, thời gian vừa qua công cuộc thăm dò và đàm phán của nhà đầu tư nước ngoài khá sôi động thì nhiều khả năng rất có thể có một số thương vụ sẽ thành công trong quý cuối năm. Khi có dòng tiền đổ vào hy vọng sẽ thúc đẩy các dự án bất động sản khởi động.
Bất động sản dành cho bạn