Trong nhiều năm qua, khoa học công nghệ không ngừng phát triển, kéo theo sự cải tiến rõ rệt trong nhiều lĩnh vực. Và sản xuất vật liệu xây dựng cũng không nằm ngoài xu thế tích cực này.
Cần có quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến vật liệu xây dựng thân thiện và tiêu chí cụ thể cho công trình xanh. Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng, Tổng biên tập Báo Xây dựng nhấn mạnh: “Sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) có vai trò quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Xây dựng và của ngành công nghiệp nói chung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, ngành sản xuất VLXD phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và chủng loại, đáp ứng nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nhà ở. Giá trị VLXD chiếm 60% - 70% trong cơ cấu giá thành công trình xây dựng. Vì vậy chất lượng, giá thành VLXD quyết định rất lớn đến chất lượng và giá thành xây dựng công trình”.
Cơn bão giá của các loại vật liệu xây dựng truyền thống như sắt thép, gạch, sơn… đã giúp đẩy mạnh xu hướng sử dụng các loại vật liệu mới thay thế. Những vật liệu mới nhiều tiện ích, giá cả hợp lý như tấm ốp tường nano, tấm panel, gạch tuynel, nhôm chống ăn mòn muối biển, sơn sinh thái… ngày càng được nhiều nhà thầu lựa chọn.
Xu hướng xây dựng thiết kế nhà ở hay các công trình lớn hiện nay là chọn lựa các loại vật liệu nhẹ, đẹp, tiện ích, dễ thay thế và giá cả hợp lý.
Thay cho gạch, tôn thông thường thì các công trình nhà máy, kho xưởng của nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay sử dụng tấm panel. Đây là loại vật liệu công nghiệp mới, trọng lượng siêu nhẹ, có khả năng cách âm, cách nhiệt tốt so với các vật liệu khác mà lại đảm bảo tiêu chí về tiến độ, tính thẩm mỹ cũng như hiệu suất kinh tế.
Tấm panel là một tấm vách phẳng có cấu tạo ba lớp, gồm lớp tôn mạ kẽm bên ngoài; lớp giữa là vật liệu cách nhiệt, chống cháy; cách âm như xốp EPS, PU, khoáng...; lớp trong cùng là tôn mạ kẽm hoặc giấy bạc.
Các tấm panel có trọng lượng nhẹ, dễ dàng ghép nối lại với nhau mà không cần chất kết dính từ bên ngoài, kích thước có thể tùy chỉnh theo yêu cầu của chủ đầu tư. Vật liệu mới này đang dần thay thế hoàn hảo cho các vật liệu xây tường truyền thống trong lĩnh vực xây dựng, cụ thể là xây tường bao, vách ngoài, vách bao che cho nhà xưởng, mái, nhà kho, phòng sạch hay phòng lạnh.
Ông Lê Văn Tới, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VN), cho biết đã có rất nhiều DN đầu tư vào vật liệu mới này. Chỉ tính riêng tại miền Bắc đã có hơn 30 DN đầu tư vào dây chuyền sản xuất tấm panel và có khoảng 20 DN có quy mô tương đối lớn về thi công lắp đặt hoàn thiện panel để đáp ứng được nhu cầu lớn của thị trường.
“Vật liệu này phù hợp với điều kiện khí hậu VN với khả năng cách âm, cách nhiệt tốt. Ngoài ra, vật liệu này còn giúp tiết kiệm điện năng và ngăn ngừa hỏa hoạn. Tấm panel không bị hao mòn, không thấm nước, không thu hút mối, gián, kiến hay các loại côn trùng và giảm lượng khí thải nhà kính” - ông Tới nói.
Nói về một loại vật liệu mới khác, ông Nguyễn Xuân Thu, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trung Chính - đơn vị cung cấp thanh nhôm MAXPRO.JP, cho biết hiện nay sản phẩm nhôm kính bắt đầu xuất hiện rộng rãi và trở nên quen thuộc trên thị trường vật liệu xây dựng VN. Cửa nhôm kính là loại vật liệu có thể sử dụng cho cả các công trình lớn lẫn công trình nhà ở riêng lẻ.
Trong ngành xây dựng, ứng dụng nhôm làm vách nhôm kính, mặt dựng bên ngoài công trình đang trở thành xu thế mới nhờ vào ưu điểm của loại vật liệu này. Nhôm có trọng lượng riêng tương đối nhẹ, giúp cho việc thi công lắp đặt, di chuyển dễ dàng hơn. Theo ông Thu, với cùng một khả năng chịu lực, trọng lượng của một tấm nhôm bằng một nửa đến 2/3 trọng lượng tấm thép và nhỏ hơn bê tông cốt thép tới bảy lần. Điều này làm giảm thiểu được sức nặng công trình, tối ưu an toàn trong quá trình thi công.
“Bề mặt thanh nhôm được xử lý bằng công nghệ Anodie ED ( Nhật Bản) giúp thanh nhôm có độ bền cứng, bền màu trên 40 năm. Đặc biệt, phương pháp xử lý trên còn giúp thanh nhôm không bị ôxy hóa trong môi trường có hơi muối cao như tại các khu resort ven biển… mà vẫn đảm bảo được tiêu chí hạn chế các kim loại nặng” - ông Thu nói.
Tương tự, tấm ốp nano cũng đang dần thay thế những vật liệu xây dựng truyền thống như sơn, gạch ốp tường, thạch cao, la phông nhờ có độ dẻo dai, bền, chịu được độ ẩm, không thấm nước, chịu được nhiệt, chống cháy, cách âm tốt, có tính thẩm mỹ cao. Giá thành loại này lại rẻ hơn so với đá tự nhiên mà màu sắc tương đồng, tiết kiệm chi phí thi công và lắp đặt. Nhờ trọng lượng nhẹ nên có thể thi công được ở những khu vực cao mà vẫn an toàn.
Đại diện Công ty Sacohome cho biết tấm ốp nano là sản phẩm nhận được nhiều đơn đặt hàng trong nửa cuối năm nay khi giá các vật liệu xây dựng truyền thống tăng cao. Tấm ốp nano có thể ốp tường, ốp trần… bền và đẹp hơn so với ốp gạch, sơn hoặc làm thạch cao nên được các chủ khách sạn, nhà hàng lựa chọn nhiều.
Theo đại diện công ty này, loại vật liệu nhựa mới với thành phần chính là nhựa nguyên sinh, các phụ gia bột đá và được sản xuất theo quy trình công nghệ cao, có thể tái chế góp phần giảm ô nhiễm môi trường so với các loại vật liệu nhựa khác.
Hiện tại, tiêu chuẩn một số vật liệu xây dựng mới chưa có ở VN nên nhiều công ty mong muốn được các cơ quan chức năng hỗ trợ để tiêu chuẩn được phổ cập trong nước.
Ông Lê Văn Tới đề xuất cần tạo hành lang pháp lý, đưa ra những quy định cụ thể về hợp chuẩn, hợp quy tiêu chuẩn vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu xanh không nung và thân thiện với môi trường.
Về giải pháp thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện, ông Tới cho rằng Nhà nước cần quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN sản xuất. Đồng thời cần nhất quán, quyết liệt hơn, gắn trách nhiệm cho các địa phương, có kiểm tra, khen thưởng các địa phương làm tốt, phê bình đối với những địa phương thực hiện chưa tốt.
Theo ông Nguyễn Xuân Thu, các vật liệu mới siêu nhẹ đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới, từ thi công nội thất, ngoại thất đến trang trí văn phòng, các công trình lớn… Tuy nhiên, việc ứng dụng vật liệu xây dựng mới, vật liệu nhẹ như tại VN vẫn chưa phổ biến. Các vật liệu mới khó chen chân vào thị trường vật liệu xây dựng hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, trước hết nằm ở tâm lý ngại thay đổi và lợi ích của việc sản xuất vật liệu cũ bị ảnh hưởng khi thay thế.
Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống pháp luật quy định cho các vật liệu mới chưa hoàn thiện, làm giảm khả năng lan tỏa của vật liệu công nghệ mới, xanh, sạch.
Ông Thu cho rằng cần có chính sách khuyến khích các dự án khu đô thị, công trình hạ tầng quy mô lớn, dự án đầu tư công… sử dụng sản phẩm mới để tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian thi công, tiết kiệm năng lượng. Cùng với đó, tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng vật liệu nhẹ trong quá trình xây dựng.
Bất động sản dành cho bạn