Chính phủ đang tập trung thúc đẩy cho vay trong lĩnh vực bất động sản nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính trong tình hình thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với khó khăn về nguồn vốn trong năm 2023.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 993/2023, ngày 24/10 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Tại công văn này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án bất động sản, nhất là các dự án nhà ở, khu đô thị, khu công nghiệp lớn.
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản. Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay bất động sản; rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn.
Đồng thời có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng rà soát kỹ các thủ tục điều kiện cho vay thuận lợi thông thoáng, kiểm soát được và đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo các văn bản quy định chi tiết về trình tự, thủ tục triển khai các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, khu đô thị mới.
Theo ghi nhận thực tế, lãi suất cho vay mua bán nhà đất hiện đã giảm khoảng 1-3 điểm % so với đầu năm nay. Nhiều ngân hàng thương mại đưa ra các gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay bất động sản hấp dẫn.
Cụ thể, như Bản Việt Bank áp dụng gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho vay bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà chỉ từ 6,9%/năm áp dụng trong 3 tháng đầu; Eximbank, Techcombank, MB, ACB… đang triển khai gói lãi suất cho vay bất động sản, xây nhà, sửa chữa nhà ở từ 7,5%-9%/năm…
Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ đi cho vay bất động sản vẫn chưa cải thiện. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 8/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng này chủ yếu cho vay với chủ đầu tư dự án, trong khi phân khúc khách hàng cá nhân vay mua nhà lại rất thấp, chỉ đạt hơn 62.700 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ vay bất động sản thấp cho lãi suất cho vay bất động sản vẫn khá cao. Mức thấp nhất của lãi vay cố định năm đầu là 8%/năm, 18 tháng là 9%, còn 24 tháng là 9,5%. Tuy nhiên, khi thả nổi sẽ vào khoảng 11 – 11,5%/năm. Thông thường, khi lãi suất thả nổi xuống 9,5 – 10,5%/năm thì thị trường mới có thể mạnh tay dùng vốn tín dụng ngân hàng trở lại.
Một giải pháp được NHNN triển khai gần đây để giải tỏa khó khăn trong bối cảnh lãi suất cho vay bất động sản cao, người đi vay khó khăn là cho phép vay ngân hàng khác để trả nợ khoản vay cũ. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng triển khai, hiện mới chỉ có số ít ngân hàng thương mại tham gia thực hiện. Các điều kiện, thủ tục để tiến hành vay cũng khó khăn khiến nhiều người dù có nhu cầu vay khó tiếp cận và thực hiện được.
Vì vậy, động thái quyết liệt của Thủ tướng trong việc yêu cầu tăng cho vay bất động sản, điều tiết để giảm lãi suất cho vay bất động sản là tin vui cho thị trường, giúp tăng trưởng tín dụng, kéo dòng tiền chảy vào thị trường nhiều hơn và người mua nhà được tiếp cận mức lãi suất cho vay bất động sản thấp hơn. Gỡ nút thắt về vốn cho thị trường hiện nay, tạo điều rất tốt cho phục hồi kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Đồng thời, giúp nút thắt về dòng chảy vốn giữa ngân hàng và các ngành kinh tế được tháo gỡ.
Ngoài ra, chỉ đạo trực tiếp về cho vay bất động sản của Chính phủ sẽ giúp tâm lý tích cực hơn. Tuy nhiên để giảm lãi suất cho vay bất động sản, vẫn cần có lộ trình khoảng 2 -3 quý để thị trường thẩm thấu.
Bất động sản dành cho bạn