1. Xác định rõ mục tiêu và định hướng kinh doanh
Hiện nay có rất nhiều ngành nghề để khởi nghiệp, kinh doanh lâu dài. Tuy nhiên, chỉ khi xác định được mục tiêu, bạn mới có thể đưa ra lựa chọn vị trí phù hợp.
Điển hình, nếu bạn muốn kinh doanh shop thời trang cho giới trẻ, đồ ăn nhanh. Đối tượng khách hàng tiềm năng sẽ gần các trường học, ký túc xá, khu trọ có nhiều học sinh, sinh viên.
Hoặc bạn muốn kinh doanh dịch vụ làm đẹp, spa, thẩm mỹ. Vị trí phù hợp sẽ là các khu chung cư, văn phòng làm việc hoặc gần các trung tâm thương mại.
Thực tế, để tìm được mặt bằng phù hợp, việc xác định mục tiêu kinh doanh đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây là việc làm quyết định đến diện tích mong muốn và ý tưởng trang trí nội thất và phát triển thương hiệu.
Mục tiêu kinh doanh đúng hướng phụ thuộc vào yếu tố về thị trường và xu hướng sản phẩm. Qua đó, phải trả lời được các câu hỏi cơ bản sau:
Thứ nhất, thông tin về sản phẩm
Những người dân tại khu vực này đang sử dụng những sản phẩm gì? Có điểm tương đồng nào với sản phẩm của bạn đang dự tính kinh doanh? Mức giá mà họ có thể chi trả cho từng sản phẩm là bao nhiêu? Mức độ sử dụng sản phẩm đó trong 01 tháng như thế nào?
Thứ hai, thông tin về nhân khẩu học
Khách hàng mục tiêu của bạn thuộc giới tính nào? Độ tuổi trung bình và mức thu nhập hàng tháng của họ là bao nhiêu?
Thứ ba, thông tin về đối thủ cạnh tranh
Những đối thủ cạnh tranh đang bán những sản phẩm gì? Lý do họ kinh doanh những sản phẩm như vậy? Đâu là ưu điểm cạnh tranh của bạn?
2. Tìm kiếm và sàng lọc mặt bằng kinh doanh cho thuê
Khi đã xác định được mục đích và khu vực cần tìm thuê cửa hàng. Đây chính là lúc bạn sàng lọc thông tin sản phẩm để phù hợp với loại hình kinh doanh và ngân sách đang có.
Nguồn thu thập thông tin hiện nay rất đa dạng, có thể đến từ truyền thông, môi giới, các trang web hoặc hỏi trực tiếp người dân khu vực. Lưu ý trong giai đoạn này, bận cần đưa ra những tiêu chí cụ thể để dễ dàng sàng lọc đi những thông tin không cần thiết.
Các yêu cầu cơ bản cần bao gồm: Diện tích, giá cả, đặc điểm dân cư, tiện ích xung quanh,… Hãy mô tả cụ thể những tiêu chí trên thanh tìm kiếm hoặc với người môi giới, để họ có thể tìm nhanh chóng mặt bằng phù hợp với bạn.
Cùng với đó, bạn cần đi khảo sát thực tế địa điểm đã chọn để có thể đánh giá, so sánh hiệu quả kinh doanh trong tương lai. Nên nhớ: “Hãy dành 80% thời gian để tìm kiếm thông tin, 20% đi khảo sát thực tế và thương lượng”. Đây là kinh nghiệm thuê mặt bằng kinh doanh khá nhiều người bỏ qua.
3. Thương lượng với chủ cho thuê
Dành thời gian “đôi co” một chút là một nguyên tắc bất di bất dịch trong khi thương lượng. Không nên vội vã chấp nhận lời chào giá của chủ mặt bằng cho thuê.
Nếu như thực sự muốn cho thuê, họ sẽ đồng ý bỏ thời gian để thương lượng. Chấp nhận ngay tức khắc sẽ khiến chủ cho thuê cảm thấy bị “hớ”, rất có thể họ sẽ dừng trao đổi một cách đột ngột.
Trong trường hợp kết thúc hợp đồng mà chủ cho thuê không tái ký, đây sẽ là bất lợi đối với bên thuê. Bởi việc kinh doanh đã đi vào ổn định, đã có khách quen và thương hiệu dần được gây dựng. Từ đây, chủ cho thuê có thể tìm cách phá rối để lấy lại nhà nếu họ không được lợi ích thỏa đáng,
Do đó, người đi thuê cần có cách hành xử khéo léo, vận dụng phương thức“đôi bên cùng thắng”. Có thể phân tích, vạch ra phương hướng lợi nhuận từ việc cho thuê lâu dài, giúp chủ cho thuê thay đổi suy nghĩ, cân nhắc đến việc tái ký hợp đồng.
4. Ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh
Ký hợp đồng giao dịch là bước cuối cùng nhưng cực kỳ quan trọng. Kết thúc thương lượng và đi đến quyết định thuê mặt bằng phải được quy định cụ thể bằng văn bản. Một số điểm cần lưu ý khi làm hợp đồng thuê mặt bằng như:
– Thứ nhất, hợp đồng thuê bắt buộc phải có đủ 7 điểm. Bao gồm: Tiền cọc, giá thuê, diện tích thuê, thời gian thuê, ngày bàn giao mặt bằng, hiện trạng mặt bằng bàn giao và khoản tăng giá hằng năm.
– Thứ hai, hợp đồng cho thuê nên được công chứng không kể phòng công chứng Nhà nước hay phòng công chứng tư nhân. Từ đây, hợp đồng sẽ có giá trị pháp lý cao hơn, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả 02 bên trước pháp luật.
– Thứ ba, cần thỏa thuận rõ ràng các chi phí phát sinh liên quan trong hợp đồng. Bao gồm: Phí công chứng, phí sửa chữa, nâng cấp (nếu có), phí sinh hoạt,…
Trong trường hợp người thuê không am hiểu về pháp lý, hãy nhờ sự giúp đỡ từ luật sư hoặc những người có kinh nghiệm soạn thảo sẵn mẫu hợp đồng.
Theo Quản lý bất động sản
Bất động sản dành cho bạn