Sự tái cấu trúc thời hạn trả nợ và tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực Bất động sản đã đặt ra những thách thức đối với ngân hàng trong việc quản lý chất lượng tài sản và kiểm soát rủi ro nợ xấu.
Tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng được kiểm soát ở mức dưới 3% vào cuối quý I/2023, song nợ xấu đang có xu hướng tăng, một số ngân hàng đã ghi nhận tỉ lệ nợ xấu trên 3%. Các ngân hàng buộc phải thận trọng trong các quyết định cho vay, đồng thời đang phải tất bật xử lý những khối nợ xấu trước đó khi ngày càng có nhiều khoản nợ xấu được bảo đảm bằng bất động sản giá trị lớn đang được rao bán với giá giảm sâu. Mới đây một thông tin đáng chú ý đó là Vietinbank đang rao bán gần 400 bất động sản là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ vay để thu hồi nợ, trong đó phần lớn là các nhà hàng, khách sạn, resort… ở nhiều điểm đến du lịch. Không chỉ Vietinbank, nhiều ngân hàng khác như Sacombank, BIDV, Agribank… thời gian qua cũng liên tục công bố phát mại hàng chục bất động sản giá trị lớn nhằm mục đích thu hồi nợ.
Bên cạnh đó, câu chuyện nợ xấu của ngân hàng đến nay ngày càng có nhiều vấn đề bộc phát không chỉ vì tình trạng khó khăn của thị trường bất động sản, mà còn đến từ những vấn đề trong việc duyệt các khoản tín dụng. Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa thông báo kết luận về việc thực hiện đề án tái cơ cấu, xử lý nợ xấu ngân hàng giai đoạn 2013-2017, trong đó chỉ rõ nhiều ngân hàng thương mại cho vay quá 15% vốn tự có hay cho vay khi doanh nghiệp chưa đủ điều kiện, dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý,... Một số doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi, phương án cơ cấu nợ không khả thi nhưng không bị chuyển nợ quá hạn, nợ xấu đúng quy định...
Đơn cử như trường hợp của Sacombank, theo quy định, một khách hàng chỉ được vay tối đa 15% vốn tự có của một tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, thông qua kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng 16 khách hàng của Sacombank, TTCP phát hiện, tổng dư nợ của các khách hàng này đến tháng 8.2018 là 15.218 tỉ đồng. Đáng chú ý, Sacombank cho 9 doanh nghiệp vay với dư nợ bằng 48,52% vốn tự có của ngân hàng, lên tới 9.262 tỉ đồng.
Hay như trường hợp của VietABank, theo kết luận của TTCP thì tính tới 31.8.2018, tổng dư nợ của VietABank là 6.510 tỉ đồng, chiếm 17,28% tổng dư nợ cho vay. Ngân hàng này thẩm định, phê duyệt cho vay khi dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chủ đầu tư không đủ điều kiện thực hiện dự án. Cũng theo TTCP, VietABank cho 10 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ 4.860 tỉ đồng, theo các hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh ký với chủ đầu tư dự án. Bản chất là giải ngân vốn cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, trong khi các dự án chưa đủ hồ sơ pháp lý, chưa đủ điều kiện huy động vốn.
Câu chuyện nợ xấu hiện nay vẫn chưa cho thấy sự căng thẳng khi Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể. Các giải pháp đã bắt đầu phát huy tác dụng khi tín dụng vào kinh doanh bất động sản tính đến hết tháng 5.2023 tăng 14%.
Tuy nhiên, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, đẩy vốn vào lĩnh vực bất động sản cũng đặt ra những thách thức cho ngân hàng trong việc kiểm soát chất lượng tài sản, do một số áp lực được đẩy về tương lai. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ngân hàng đã tăng lên mức 2,9% vào cuối quý I/2023 so với mức 2% vào cuối năm 2022, nợ nhóm 2 tăng đột biến hơn 100% so với cùng kỳ. Về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 tiếp tục diễn ra trong quý II/2023. Áp lực nợ xấu sẽ đẩy về tương lai khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực, nhất là trong trường hợp các ngân hàng không kiểm soát tốt chất lượng tài sản khi đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Bất động sản dành cho bạn