Nguồn cung của thị trường BĐS hiện nay không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua, việc tìm kiếm một dự án có đầy đủ giấy tờ pháp lý và không gian sống chất lượng là rất hiếm. Do vậy có thể thấy, tính minh bạch và cơ sở hạ tầng chính là chìa khóa giúp nâng tầm giá trị BĐS.
Theo báo cáo của Sở xây dựng TP.HCM, trong quý II-2022 ,trên toàn địa bàn thành phố, chỉ có 5 dự án với tổng số 1.172 căn hộ đáp ứng đủ điều kiện bán, giảm 84,66% so với quý IV-2021 và giảm 66,01% so với quý I-2022. Đáng chú ý, TP.HCM hiện có hơn 100 dự án bất động sản vướng pháp lý và chưa đủ điều kiện đưa vào giao dịch.
Theo ước tính đến quý II-2022 từ Sở xây dựng TP.HCM, số lượng căn hộ thuộc các dự án quy mô lớn hiện bị đình trệ nhiều năm đã chạm đến con số hàng chục nghìn. Dự án an toàn đang dần trở nên khan hiếm.
Để giải quyết vấn đề này, tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản báo cáo tới UBND Thành phố, kiến nghị xử lý cho 38 dự án bất động sản tại TP.HCM.
HoREA cũng vừa công bố báo cáo bổ sung kiến nghị của doanh nghiệp bất động sản về tình trạng vướng mắc pháp lý kéo dài dẫn đến bế tắc nguồn cung nhà ở, nguyên nhân chính khiến giá nhà trên địa bàn thành phố leo thang.
Đặc biệt, tại điểm nóng như các quận trung tâm TP.HCM, số lượng dự án xây dựng mới còn bị siết chặt, tạo sự thiếu hụt mạnh mẽ tới nguồn cung căn hộ hạng sang.
Theo đề án "Xây dựng chương trình nhà ở giai đoạn 2021 - 2030" do Sở Xây dựng TP.HCM công bố vào năm 2020, trong 5 năm tiếp theo, các dự án mới sẽ không còn nằm trong danh sách ưu tiên phát triển, đặc biệt là các dự án nhà ở cao tầng tại khu lõi trung tâm.
Đề xuất mới từ Sở xây dựng khiến cho cuộc săn lùng cơ hội đầu tư trở nên khốc liệt hơn.
TP.HCM được xem là điểm đến cho các doanh nghiệp, ngày càng thu hút mạnh đầu tư nước ngoài cùng với sự hiện diện dày đặc của các tập đoàn trong và ngoài nước. Hà Nội dù đi sau TP.HCM về mặt thương mại nhưng cũng đang trên đà phát triển nhanh chóng.
Trên thực tế, TP.HCM và Hà Nội đều đang thu hút những khoản đầu tư khổng lồ từ các công ty công nghệ đa quốc gia, điển hình như Microsoft, LG, Intel và đáng chú ý nhất là Samsung. Sự đổ vốn của các ông lớn này không chỉ thúc đẩy công nghiệp sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển của bất động sản Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn khá non trẻ và đang phải vật lộn với nhiều thử thách như tính minh bạch thấp và khối lượng cổ phiếu cấp đầu tư khan hiếm.
Bên cạnh đó, hệ quả của sự tăng trưởng nhanh chóng khiến những thành phố này đang phải đối mặt giải quyết các vấn đề về môi trường và xã hội như bất bình đẳng, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường.
Chuyên gia cho rằng việc phát triển bất động sản thông minh, bất động sản xanh và cải thiện tính minh bạch chính là câu trả lời cho bài toán tăng trưởng bền vững và lâu dài của thị trường.
Các thành phố cần phải thu hút được những khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài dài hạn thì mới có thể trưởng thành hơn và nuôi dưỡng động lực phát triển bền vững. Đặc biệt với thị trường bất động sản, tính minh bạch và cơ sở hạ tầng chính là chìa khóa hút nguồn lực đầu tư.
Bất động sản dành cho bạn