1. Đất ngân hàng thanh lý là gì?
Đầu tiên, nhà đầu tư cần hiểu rằng các ngân hàng không phải là tổ chức chuyên kinh doanh bất động sản. Họ chỉ quan tâm đến vấn đề thu hồi vốn cho vay (thường trong khoảng 70 – 80% giá thị trường).
Hiện nay, đa phần các ngân hàng đều cho vay vốn thế chấp tài sản. Tài sản ở đây có thể hiểu là nhà, đất hoặc các bất động sản khác.
Trong trường hợp người vay không đủ khả năng trả nợ ngân hàng khi đến thời hạn thanh toán, ngân hàng có quyền tịch thu tài sản.
Từ đây, thuật ngữ đất ngân hàng thanh lý được ra đời và sử dụng phổ biến thời gian gần đây. Đây là tài sản bị ngân hàng tịch thu và được bán ra với giá rẻ hơn thị trường để thu hồi vốn và không tính đến lợi nhuận.
2. Đối tượng được bán đất ngân hàng thanh lý
2.1. Người vay vốn tại ngân hàng (chủ sở hữu đất)
Trước khi tịch thu đất, ngân hàng sẽ để người vay vốn thế chấp tài sản (người sở hữu đất) thực hiện rao bán. Mục đích cho vay thế chấp là thu về đầy đủ số tiền gốc và lãi chứ không phải là hình thức cầm cố tài sản.
Do đó, ngân hàng sẽ có sự trao đổi với chủ sở hữu về việc họ chính là người tự rao bán thửa đất đó để lấy tiền trả lại ngân hàng.
2.2. Ngân hàng rao bán đất
Nếu người vay vốn thế chấp tài sản không có khả năng hoặc không muốn rao bán đất. Lúc này, ngân hàng sẽ trực tiếp rao bán tài sản này dựa trên các quy định của pháp luật.
Khi có một mảnh đất thanh lý thường sẽ được đăng tải thông tin trên website của ngân hàng đó. Đồng thời, ngân hàng sẽ công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, không nhờ đến cò đất hay sử dụng hình thức phát tờ rơi.
3. Nên hay không nên mua đất ngân hàng thanh lý?
– Nên:
Đất đai đang ngày càng có giá trị, đó là lý vì sao đất được ngân hàng thanh lý với giá rẻ hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Chủ đầu tư chỉ cần 70 – 80 % vốn là có thể sở hữu được thửa đất đó thay vì phải bỏ ra 100% giá trị như ban đầu.
20 – 30% giá trị được giảm trong bất động sản có thể tương đương từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Do đó, khó ai có thể bỏ qua một cơ hội đầu tư tốt như vậy.
– Không nên:
Cùng với đó, đất thanh lý ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro khi liên quan đến vấn đề pháp lý. Bao gồm đất phải có đầy đủ giấy tờ, được thực hiện bởi các chủ đầu tư uy tín, có quy hoạch bài bản, được chào bán một cách văn minh,…
Tóm lại, khi chưa có nhiều kinh nghiệm hay không chắc chắn về loại hình đất thanh lý. Tốt nhất người mua không nên bước chân vào thị trường này.
Trừ khi bạn có quen biết với nhân viên trong ngân hàng và họ nhận định đây thực sự là một “miếng bánh ngon” thì hãy suy nghĩ đến việc mua.
4. Những lưu ý gì khi mua đất ngân hàng thanh lý
Nếu quyết định mua đất ngân hàng thanh lý thì việc nắm chắc những kinh nghiệm mua loại hình là rất cần thiết. Bao gồm:
4.1. Nắm chắc đó là đất ngân hàng thanh lý
Hiện nay, nhiều người bán gắn mác đất thường thành “đất ngân hàng thành lý” để hấp dẫn người mua. Khi từ “giá rẻ” trở nên quá phổ biến, không còn thu hút được nhà đầu tư, người bán sẽ chuyển sang dùng từ “thanh lý”.
Đây là cách mượn danh nghĩa và uy tín của ngân hàng nhằm tạo sự an tâm cho khách hàng. Nếu biết được đó không phải là đất ngân hàng thanh lý mà thực chất chỉ là mánh khóe của người bán thì bạn cần đặc biệt tránh xa.
4.2. Hình thức rao bán không văn minh
Trường hợp bạn đọc được các thông tin bán đất ngân hàng thanh lý rầm rộ trên mạng xã hội hoặc từ các tờ rơi. Chắc chắn 100% đó không phải là loại đất mà bạn đang tìm kiếm.
Bởi số lượng đất ngân hàng thanh lý rất ít, họ thường rao bán trên website chính thức hoặc nhờ các trang báo uy tín đăng tải thông tin. Ngân hàng không sử dụng các hình thức rao bán không chính thống, đăng ồ ạt, tràn lan trên các trang online.
4.3. Không phải đất ngân hàng thanh lý nào cũng có giá trị
Có một sự thật không hề thay đổi đó là đất ngân hàng thanh lý thì luôn có giá rẻ hơn nhiều so với thị trường. Nhưng người mua vẫn nên quan tâm đến giá trị của mảnh đất như: Vị trí, tiềm năng, tính thanh khoản, quy hoạch, mục đích sử dụng,…
Không ít trường hợp đất thanh lý ngân hàng nằm tại những nơi hẻo lánh, dân trí nghèo nàn, chưa có sự phát triển… Do đó, khi chưa chắc chắn về những vấn đề nêu trên thì tốt nhất bạn phải cân nhắc thật kỹ trước khi mua.
Tóm lại, nhà đầu tư phải chú trọng đến 02 yếu tố chính là tính thanh khoản và lợi nhuận. Còn nếu là người mua thực thì cần xem xét đến tính tương xứng với nhu cầu và mong muốn sử dụng của bản thân. 4.4. Thủ tục phức tạp
Thủ tục mua bán đất thanh lý ngân hàng khá rườm rà, vừa gây tốn thời gian vừa tốn cả tiền bạc của đôi bên. Nếu người thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng không hài lòng, không chấp thuận thì việc mua bán sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Lúc này, ngân hàng sẽ cần đến sự giúp đỡ của luật pháp, làm mất thời gian và tốn thêm một khoản phí lớn. Hoặc ngân hàng sẽ phải tổ chức đấu giá và chi phí đấu giá sẽ được cộng thêm vào giá đất thanh lý, khiến giá đất bị độn thêm so với giá rao bán ban đầu.
Theo Quản lý bất động sản
Bất động sản dành cho bạn