Tới năm 2030, các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 90% vật liệu gạch không nung theo yêu cầu của Chính phủ.
Khác hẳn với gạch đất nung về bản chất liên kết cấu trúc, gạch không nung có đặc tính tự động đóng rắn sau khi được tạo hình. Chúng vẫn đảm bảo được các chỉ số về cơ học như cường độ nén, cường độ uốn hay độ thấm hút nước, mà không phải chịu tác động bởi nhiệt độ, không cần sức nóng mới tăng độ bền.
Ngành xây dựng hiện nay đang hướng tới mục tiêu đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35-40% vào năm 2025, 40-45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây. Đồng thời, giảm phát thải khí CO2 vào năm 2025 là trên 2,5 triệu tấn/năm và năm 2030 là trên 3 triệu tấn/năm.
Thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) hiện nay có sự đa dạng về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Gạch không nung hiện nay còn được gọi với tên gọi khác như gạch block, gạch bê tông…có đầy đủ các kích thước với tiêu chuẩn khác nhau, khoảng 300 tiêu chuẩn quốc tế, sức nén gạch đạt tối đa lên tới 35MPa.
Sản phẩm gạch có nhiều chủng loại, sử dụng ở các công trình phụ trợ cho đến nhiều kiến trúc nhà ở, cao tầng hoặc công trình công nghiệp. Có loại dùng trong lát nền, đè kê, xây tường cao, trang trí…ứng dụng đa dạng đã chứng minh được hiệu quả xây dựng của dòng gạch này.
Gạch bê tông cốt liệu còn gọi là gạch block, được cấu thành từ nguyên liệu chính là xi măng, đá mạt và các chất phụ gia.
So với các loại gạch xây khác, gạch block được sản xuất nhiều bởi nó có khả năng chịu lực tốt mà giá bán lại rẻ. Tuy nhiên, nhược điểm của gạch bê tông là nặng, thấm nước mạnh nên chỉ được dùng cho việc xây hàng rào, tường bao công trình không yêu cầu tính thẩm mỹ cao.
Kích thước gạch phổ biến như:
– Gạch xây tường 10: 390× 100× 130mm hoặc 390× 80× 130mm
– Gạch xây tường 15: 390× 140× 130mm hoặc 390× 150× 130mm
– Gạch xây tường 20: 390× 170× 130mm, 390× 200× 130 hoặc 390× 190× 130mm
Gạch bê tông chưng áp hay còn gọi là gạch AAC, được sản xuất bằng công nghệ chưng áp, các bọt khí được tạo ra khi gạch bắt đầu đông kết, bột nhôm có các phản ứng hóa học với các chất phụ gia tạo ra bọt khí.
Tương tự gạch block, gạch nhẹ chưng áp cũng được sản xuất từ vật liệu chính là xi măng, cát nghiền mịn, vôi và bột nhôm.
Cấu trúc gạch AAC là một khối bê tông với 80% cấu tạo là lỗ khí li ti dạng tổ ong kín. Các lỗ được kết nối bằng bê tông nên có thể nói đó là một khối bê tông rỗng có trọng lượng nhẹ.
Theo đó, ưu điểm của loại gạch này là trọng lượng nhẹ, thi công dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, loại gạch này có độ thấm nước cao, độ giãn nở tương đối nên thường được sử dụng để xây tường bao, các lán trại, hàng quán ven đường với thời gian sử dụng công trình không quá dài.
Gạch bê tông bọt có cấu tạo với hàng triệu bọt khí li ti độc lập với nhau, tạo ra hệ thống dạng tổ ong kín với kích thước siêu nhỏ.
Chính vì cấu tạo đặc biệt này mà nó chống thấm rất tốt, hơn hẳn gạch bê tông chưng áp và bê tông cốt liệu. Bê tông bọt khí còn có khả năng cách âm, cách nhiệt, chống cháy cực kỳ tốt cho các công trình.
Vật liệu được sử dụng chính để sản xuất loại gạch này chính là bê tông, tro bay nhiệt điện, sợi tổng hợp, chất tạo bọt và các chất phụ gia. Bằng việc thêm cốt sợi và các loại phụ gia khác, bê tông bọt không bị co ngót, chống thấm và chống nứt tường tốt hơn.
Ưu điểm của gạch bê tông bọt là nhẹ, cách âm, cách nhiệt và chống cháy tốt, không bị co ngót, giãn nở khi nhiệt độ môi trường thay đổi.
Được cấu tạo từ nguyên liệu chính là xỉ than, sau đó nén cùng với một lượng nhỏ vôi hoặc xi măng để tăng kết dính bền chặt. Gạch có ưu điểm cách âm, cách nhiệt khá tốt. Thi công gạch không nung ba banh sẽ giảm thiểu được khoảng 15 – 20% chi phí toàn hạng mục. Tuy nhiên, do quy trình sản xuất còn khá thủ công, gạch có độ bền lực thấp, chỉ phù hợp để xây các công trình phụ.
Kích thước gạch cũng khá đa dạng: 90 x 90 x 135mm, 390 x 190 x 190mm, 390 x 100 x 190mm…
Hiện nay, chủng loại vật liệu gạch không nung khá đa dạng nên ứng dụng được cho nhiều hạng mục thi công, từ xây tường, lát nền, kè đê đến trang trí. Với kích thước lớn nên tiến độ thi công sẽ nhanh, lượng vữa chuyên dụng cần dùng giảm tới 2,5 lần so với gạch nung nên giảm được chi phí.
Dù được Chính phủ khuyến khích phát triển, dù lợi ích mang lại rõ rệt như bảo vệ môi trường, song gạch không nung ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng, các nhà thầu không mấy mặn mà với loại vật liệu này.
Theo đó, nhiều công trình hiện nay vẫn còn rất thận trọng khi sử dụng vật liệu không nung bởi kỹ thuật thi công gạch này có những đòi hỏi riêng. Một số công trình áp dụng kỹ thuật sai khiến tường bị nứt nên tạo tâm lý e ngại cho chủ đầu tư.
Nếu so sánh thì gạch không nung có nhiều lợi thế hơn, nhưng khi lựa chọn, đa số chủ đầu tư sẽ chọn gạch nung do điểm cốt yếu vẫn là vấn đề thấm nước, chất lượng vật liệu xây. Bên cạnh đó, vì có kích thước lớn nên gạch không nung có sự liên kết vật liệu kém hơn.
Chính vì vậy, để tìm được chỗ đứng trên thị trường, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) cần phải huy động nguồn vốn để đầu tư công nghệ hiện đại, nghiên cứu quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật để làm chủ công nghệ trong sản xuất.
Đặc biệt, tiếp tục nghiên cứu để xử lý, đưa ra các phương án khắc phục những tồn tại về chất lượng đối với các chủng loại vật liệu xây không nung hiện tại và nghiên cứu, phát triển các sản phẩm VLXDKN mới, chất lượng cao.
Bất động sản dành cho bạn