Từ đầu năm 2024, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay mua nhà xuống khoảng 1-2% so với mức cuối năm trước đó. Người dân đắn đo thực hiện mục tiêu mua nhà đón Tết.
Anh Thành Công (35 tuổi, Hà Tĩnh) cho biết, vợ chồng anh có khoản tiết kiệm 1 tỷ đồng đang gửi ngân hàng và cuối tháng này đến kỳ đáo hạn. Hiện nay lãi suất huy động xuống thấp, lãi suất cho vay mua nhà giảm mạnh nên anh bàn với vợ sẽ rút tiết kiệm, vay thêm người thân và ngân hàng để mua nhà Hà Nội.
Ngay từ những ngày đầu năm 2024, nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay mua nhà 1-2% so với cuối năm ngoái.
Lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 đều giảm 1-1,5% so với cuối năm, còn nếu so với cùng kỳ 2023, mức lãi vay hiện thấp hơn 2-3%.
Lãi suất cho vay mua nhà của nhóm Big 4 đang dao động ở mức từ 6,4-7%/năm. Hết ưu đãi, lãi suất thả nổi những năm sau được tính bằng lãi suất huy động của 4 ngân hàng Big 4 cộng với biên độ 3,5%.
Ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, mức lãi suất cho vay mua nhà dao động trong khoảng 5,9-10,5%/năm. Khi hết thời gian được hưởng lãi suất ưu đãi, khoản vay sẽ phải chịu mức lãi suất thả nổi, rơi vào khoảng 11-13%/năm.
“Hiện giờ nhà đắt quá, mấy căn vừa tiền thì ở xa, tận Hà Đông, còn mấy căn gần trung tâm lại quá cao. Để mua một căn chung cư tại quận Hà Đông hơn 2 tỷ đồng, nếu vợ chồng tôi vay 1 tỷ đồng trong thời hạn 20 năm, tính ra mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 12 triệu đồng. So với tổng thu nhập 30 triệu đồng/tháng của cả hai vợ chồng tôi thì đây là con số rất áp lực. Chưa kể mấy năm nay kinh tế khó khăn, công việc không ổn định, lỡ một trong hai vợ chồng thất nghiệp thì khoản vay sẽ là gánh nặng lớn", anh Công đắn đo.
Cũng dự định mua nhà Hà Nội, chị Thanh Huyền (quê Hưng Yên) băn khoăn là giá chung cư hiện nay tăng phi mã, mức lãi suất cho vay giảm không đủ bù đắp mức chênh lệch tăng của giá nhà.
Chị Huyền cho biết, đầu năm 2023, chị khá ưng một căn chung cư giá 2,8 tỷ đồng ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Nếu mua căn này, chị cần vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng. Khi đó lãi suất cho vay ưu đãi năm đầu tiên là 11-12% và thả nổi những năm sau. Tính ra trong năm đầu, mỗi tháng chị đã phải trả cả gốc lẫn lãi khoảng 17 triệu đồng, những năm sau thả nổi thì còn cao hơn.
Áp lực vay nợ lãi suất cao đã khiến chị không dám xuống tiền mua nhà thời điểm đó. Hiện nay, lãi suất cho vay đã giảm tuy nhiên kế hoạch mua nhà của chị có thể sẽ tiếp tục bị lùi lại.
“Dù lãi suất giảm nhưng chung cư lại tăng giá nhanh quá. Bây giờ để mua được căn tương tự như hồi đầu năm ngoái thì phải bỏ ra 3,5 tỷ đồng, chứ không có giá 2,8 tỷ nữa. So đi tính lại thì mua bây giờ còn thiệt hơn hồi đầu năm. Dự định mua nhà đón Tết năm nay của gia đình vẫn chưa thực hiện được” - chị Huyền chia sẻ.
Chuyên gia bất động sản cho rằng, lo lắng về lãi suất thả nổi và giá nhà tăng cao là rào cản chính khiến người dân có nhu cầu thực vẫn e dè trong việc vay mua nhà dù lãi suất đã hạ.
Bên cạnh đó, giá nhà đất và chung cư trong những năm qua cũng đã tăng mạnh. Theo Savills Việt Nam, trong 4 năm gần đây, giá chung cư đã tăng tới 77%.
Cụ thể, trong quý IV/2023, giá sơ cấp trung bình của căn hộ chung cư đã đạt 54 triệu đồng/m2, tăng trong 19 quý liên tiếp và tăng hơn 77% so với quý I/2019.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho biết, trên thị trường gần như không có dự án phân khúc căn hộ bình dân (giá dưới 25 triệu đồng/m2) mà chủ yếu là phân khúc căn hộ trung cấp (giá từ 25-50 triệu đồng/m2) đủ điều kiện huy động vốn và giao dịch.
Giá nhà tăng trong khi thu nhập của nhiều người lại giảm hoặc thiếu ổn định sau ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khó khăn chung từ nền kinh tế. Điều này dẫn đến tâm lý lo ngại không đủ khả năng “gánh nợ” nếu dùng đòn bẩy tài chính để mua nhà. Số khác thì vẫn chưa mạnh dạn xuống tiền vì kỳ vọng sắp tới giá nhà đất, chung cư sẽ hạ nhiệt khi nguồn cung được khơi thông.
Savills Hà Nội cho hay, dự kiến từ năm 2024 trở đi sẽ có khoảng 86.500 căn hộ từ 98 dự án mở bán, tuy nhiên không tránh khỏi việc căn hộ hạng B (phân khúc trung cấp) vẫn chiếm tỉ trọng cao. Dù vậy, việc nguồn cung mới được bổ sung vào thị trường sẽ có thể tác động tới điều chỉnh lại mặt bằng giá và cải thiện số lượng căn hộ bán ra.
Phát biểu tại một diễn đàn bất động sản mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, còn hai thách thức đối với thị trường bất động sản 2024 là sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm và giá thành sản phẩm.
Thứ trưởng cho biết, từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng hướng dẫn các doanh nghiệp bất động sản cơ cấu lại các phân khúc, hạ giá thành sản phẩm. Có giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả việc cơ cấu lại phân khúc cho người có nhu cầu thực, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người có thu nhập thấp.
Để thị trường bất động sản tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các doanh nghiệp bất động sản thực hiện các giải pháp tiết kiệm, tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.
Còn theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện một số giải pháp như: đa dạng hóa nguồn vốn (ngoài tín dụng ngân hàng, còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…); Huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; Giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.
Về hoạt động đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản.
Bất động sản dành cho bạn