Tìm hiểu những rủi ro và cách để kiểm soát tốt các loại rủi ro trong đầu tư, giao dịch bất động sản …
Luật sư điều hành Công ty Luật LPVN, Nguyễn Văn Lộc cùng Giám đốc Công ty Luật Thịnh Việt Trí, Lương Ngọc Đinh và chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Phong công bố cẩm nang rủi ro nhà đầu tư cần biết để tránh trắng tay khi đổ tiền vào bất động sản.
Đại diện cho nhóm chuyên gia này, Luật sư điều hành Công ty Luật LPVN, Nguyễn Văn Lộc cho biết, giao dịch bất động sản luôn có muôn hình vạn trạng những kiểu rủi ro tiềm ẩn, người mua, nhà đầu tư thường rất bị động trước những tình huống phức tạp nên cần phải thận trọng và kỹ lưỡng trước khi xuống tiền. 15 rủi ro dưới đây là những trường hợp điển hình đã được khảo sát, đánh giá từ những va chạm trong thực tế.
1. Vướng quy hoạch
Đây là rủi ro khá thường xảy ra mà nguyên nhân có thể do người mua không chịu kiểm tra, tìm hiểu thông tin hoặc do người bán không cung cấp, cung cấp thông tin sai lệch (có thể do vô ý hoặc cố ý). Khi nhà đất bạn dự định mua thuộc diện quy hoạch, có quyết định thu hồi đất có thể khiến bạn thiệt hại nặng nề, thậm chí là mất trắng.
Bạn có thể hoàn toàn tránh được rủi ro này bằng cách chủ động kiểm tra thông tin về nhà đất trước khi tiến hành giao dịch.2. Vướng phải dự án thế chấp
Nếu mua phải nhà, đất, nhất là với các dự án đang bị thế chấp, bảo lãnh tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng mà chưa tiến hành giải chấp tại thời điểm bán có thể khiến bạn trắng tay.
Cách đề phòng tốt nhất là yêu cầu người bán, chủ đầu tư xuất trình các giấy tờ chứng minh dự án chưa từng thế chấp ngân hàng hoặc nếu đã thế chấp thì phải được giải chấp trước khi tiến hành việc mua bán.
3. Mua phải tài sản đang bị chiếm dụng
Với trường hợp này, lỗi phần lớn nằm ở người mua khi không chịu tìm hiểu kỹ thông tin, mua phải nhà đất thuộc diện đang tranh chấp hoặc đang bị ngăn chặn giao dịch. Có bên thứ ba đang chiếm dụng để khai thác, sử dụng. Ví dụ: thuê, ở hợp pháp, tranh chấp lối đi chung...
4. Rủi ro vì mua phải nhà đất chưa đủ điều kiện bán
Đây là trường hợp khá thường gặp đối với các dự án nhà, đất. Người đầu tư mua phải các bất động sản không hoặc chưa được hoàn tất các thủ tục pháp lý, chưa đủ điều kiện giao dịch. Rơi vào các trường hợp này đa phần sẽ khiến người đầu tư gặp rủi ro rất lớn do nguy cơ dự án bị treo, bị đình chỉ là rất cao. Thêm nữa, khi chủ đầu tư bán cho bạn các sản phẩm chưa đủ cơ sở pháp lý cũng nói lên mức độ uy tín của chủ đầu tư này. Khả năng bạn bị chủ đầu tư lừa, ôm tiền bỏ trốn là hoàn toàn có thể xảy ra.
Vì vậy, trước khi đặt bút ký hợp đồng mua bán nhà đất, hãy yêu cầu chủ đầu tư trình bày đầy đủ các giấy tờ, thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định pháp luật.
5. Hợp đồng sai chuẩn
Theo quy định của pháp luật hiện hành, các hợp đồng mua bán nhà đất hiện nay phải được lập thành văn bản, ký kết và công chứng. Nhưng thực tế, vẫn còn khá nhiều trường hợp các hợp đồng mua bán được thực hiện bằng giấy tay, không qua công chứng hay thậm chí là bằng cam kết "miệng" khiến người mua rất dễ gặp phải rủi ro bị lừa đảo.
Đặc biệt, thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều trường hợp người dân vị lừa đảo mua bán nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng bạn cũng cần phải chú ý.
6. Giao dịch "đúng thời điểm, nhưng không đúng người"
Trường hợp này có thể xảy ra khi bất động sản tiến hành giao dịch thuộc sở hữu của một người lại được người khác đứng ra giao dịch thay nhưng không có giấy tờ ủy quyền. Hoặc tài sản do nhiều người đứng tên đồng sở hữu nhưng chỉ có một bên đứng ra giao dịch.
Ví dụ: Tài sản của vợ, chồng nhưng chỉ có vợ hoặc chồng đứng ra giao dịch mà chưa có sự chấp thuận của người còn lại hoặc tài sản nhà đất của ông bà, bố mẹ nhưng con cháu lại đứng ra tiến hành giao dịch
7. Không chú ý kỹ khi tiến hành đặt cọc
Mâu thuẫn sẽ xuất hiện khi trong quá trình giao dịch, một bên yêu cầu hủy cọc, ngừng giao dịch hoặc tiếp tục nhưng bên còn lại không đồng ý và muốn giải quyết theo các điều khoản thỏa thuận. Nhưng vấn đề ở đây là các điều khoản, thỏa thuận về tiền cọc, đền bù cọc lại khá mập mờ, không rõ ràng khiến cho rủi ro bị nghiêng về một bên. Trường hợp tệ nhất là một bên phải bị mất cọc hoặc đền bù tiền cọc vô lý chỉ vì các điều khoản không rõ ràng này.
8. Rủi ro khi "né thuế"
Có khá nhiều trường hợp vì muốn giảm số tiền thuế phải đóng khi phát sinh giao dịch mua bán nhà đất mà bên bán tiến hành kê khai giá trị trên hợp đồng mua bán nhà đất có công chứng thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế ghi trên hợp đồng đặt cọc trước đó. Và tất nhiên, nếu sau khi ký kết hợp đồng, công chứng một bên thay đổi quyết định hoặc cố tình vi phạm hợp đồng, ví dụ như bên mua chỉ muốn trả đúng số tiền trên hợp đồng mua bán đã công chứng thì rất dễ phát sinh xung đột.
9. Chất lượng bất động sản không đảm bảo
Đối với các dự án nhất là các dự án hình thành trong tương lai thì rủi ro người mua nhận được sản phẩm không đúng với kỳ vọng, sai thiết kế là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi người mua kiểm tra chất lượng nhà đất hời hợt, không đầy đủ hạng mục và không chính thống. Điều này khiến cho giá trị bất động sản sẽ giảm mạnh gây thiệt hại đáng kể cho người đầu tư.
10. Rủi ro mất trắng vì bị lừa đảo
Đây là trường hợp dễ khiến bạn bị trắng tay nhất khi người bán hoặc người mua cố tình thực hiện hành vi lừa đảo mua bán nhà đất.
Đó có thể là việc chủ sở hữu chỉ có một bất động sản nhưng mang đi đặt cọc, giữ chỗ, bán cho nhiều người bằng giấy tay hoặc bằng hợp đồng đặt cọc, hợp đồng ủy quyền. Hoặc trường hợp người đầu tư bị lừa đảo bởi các giấy tờ nhà đất giả...
11. Xung đột về giá, phí, phương thức thanh toán
Nếu người mua bất động sản không thỏa thuận kỹ về giá cả, phí và các chi phí trước đó (đặc biệt là tại thời điểm đặt cọc), điều này sẽ dẫn đến không phân định được ai phải chịu khoản chi phí phát sinh. Việc thanh toán theo tiến độ như thế nào, bao nhiêu và bằng phương thức nào nếu không có thỏa thuận kỹ có thể dẫn đến tranh cãi. Khi giao dịch bất động sản có giá trị cao, nếu ngay từ đầu các bên không thỏa thuận rõ ràng về việc thanh toán qua tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng thì có thể vướng thêm xung đột khi thực hiện.
12. Kiểu huy động vốn đa cấp
Đây là chiêu huy động vốn theo phương pháp Ponzi (lấy tiền người này để trả cho người khác – một hình thức đa cấp) có 5 biểu hiện phổ biến:
Đầu tiên là bằng mọi giá mời gọi người mua xuống tiền đặt cọc. Bước này được gọi là tiến hành huy động vốn trái phép.
Dấu hiệu kế đến là cố tình chào bán dự án nhà đất chưa đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật và thu tiền theo tiến độ tự đặt ra.
Đặc điểm nhận diện thứ ba là nghĩa vụ của chủ đất mập mờ, thường không ra mặt mà ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện các thủ tục. Theo quy định của pháp luật, khi chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản (chủ đất chưa được cấp quyền hoặc chưa được thuận chủ trương đầu tư) thì không được phép ủy quyền cho bên thứ hai bán ra thị trường.
Đặc điểm thứ tư là xuất hiện đội ngũ nhân viên hùng hậu bán đất khi chưa được phân quyền (ủy quyền sai luật).
Đặc điểm cuối cùng là người mua lần đầu (F1) vì lỡ mua sản phẩm bất động sản có rủi ro về pháp lý vẫn tiếp tục bán đi cho người khác (F2) tạo nên một vòng tròn giao dịch đa cấp không có hàng rào pháp lý vững chắc.
Trên thị trường đang có một số công ty vận hành mô hình này để bán bất động sản và nhiều nhà đầu tư đã sập bẫy, mất sạch vốn liếng. Vì vậy, trước khi xuống tiền mua sản phẩm, nhà đầu tư hãy yêu cầu bên bán tường thuật quy trình giao dịch hoặc quan sát quy trình giao dịch mẫu đồng thời kiểm tra pháp lý các bước để hạn chế rủi ro.
13. Đầu tư "lúa non"
Trên thị trường, chiêu buôn bất động sản khi pháp lý, quy hoạch chưa hoàn chỉnh được gọi là "bán lúa non". Với lời mời gọi nền đất luôn tạo giá trị lâu bền và lướt sóng dễ dàng, bên bán không gặp khó khăn khi tiếp cận khách hàng. Người mua hiểu rõ tình trạng pháp lý của sản phẩm tuy nhiên chấp nhận vì tin vào kịch bản màu hồng.
Tuy nhiên, đầu tư lúa non kiểu này phát sinh rất nhiều tiêu cực. Bên bán dùng các thủ thuật để đánh vào lòng tham của nhà đầu tư như: thủ thuật bánh vẽ dự án, bánh vẽ quy hoạch, viễn cảnh hạ tầng hoàn thiện và dự án "tựa bóng ông lớn". Thực tế có rất nhiều hồ sơ bán đất giả con dấu nếu người mua không hiểu biết pháp luật, thiếu thông tin và cách thức kiểm tra quy hoạch thì rất dễ bị đánh lừa.
Lời khuyên khi đầu tư vào đất nền để tạo giá trị thì phải tạo giá trị trên tài sản hợp pháp, không nên kỳ vọng vào việc tạo giá trị trên tài sản chưa đủ điều kiện kinh doanh. Nếu biết bản thân mua một mảnh đất sai sót về mặt pháp lý tức là bạn đang mua rủi ro.
14. Chiêu mua bán cọc
"Cọc" nghĩa là khái niệm giao dịch mua bán diễn ra ngay thời điểm trước công chứng (trước chuyển nhượng dự án, sản phẩm). Rất nhiều trường hợp thị trường nóng sốt một bất động sản có thể phát sinh rất nhiều hợp đồng cọc sang tay từ người này sang người khác. Chính vì thực hiện giao dịch "cọc" này quá dễ dàng nên đã tạo kẽ hở cho nhiều cú lừa mua bán hợp đồng đặt cọc. Rất nhiều người không rõ mua bán cọc là gì nên càng giao dịch càng đẩy rủi ro lên đỉnh điểm. Trên thực tế chỉ có hợp đồng mua bán mới có giá trị pháp lý cao nhất và an toàn cho nhà đầu tư.
Hợp đồng cọc là một thỏa thuận dân sự chưa tiệm cận đến trong Luật Kinh doanh Bất động sản (luật không có quy định nào liên quan). Hợp đồng cọc, biên bản cọc chủ yếu là thương lượng giữa người bán và người mua. Trong trường hợp đó, người mua phải chấp nhận "luật chơi" bên bán vẽ ra. Hợp đồng cọc đa phần do bên bán đặt ra khá sơ sài, các cam kết còn yếu và nửa vời và ngắn hạn nên rủi ro rất lớn nếu người mua không biết thẩm định và thiếu kiến thức về pháp lý.
15. Mua bất động sản không hình thành đơn vị ở
Bất động sản không hình thành đơn vị ở là những dự án thường được quảng bá đạt chuẩn cao cấp như villa biển, resort, condotel.... Các nhóm sản phẩm chưa được quy định trong luật. Sản phẩm được quảng cáo cấp sổ đỏ lâu dài và cam kết lợi nhuận cao.
Có 3 vấn đề ở loại hình bất động sản này. Thứ nhất là cam kết lợi nhuận khủng (có những cam kết thể hiện bằng văn bản). Thứ hai là thực hiện cam kết nửa vời. Và thứ ba là giải quyết vướng mắc một cách lúng túng, cơ quan chức năng chưa có hành lang pháp lý để giải quyết mâu thuẫn này.
Vừa qua thông tin thu hồi sổ đỏ một dự án condotel ở Đà Nẵng cho thấy, nếu mua bán loại hình condotel thì thỏa thuận 2 bên sẽ là cơ sở để xử lý khi phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên các cam kết thường không bàn đến pháp lý của sản phẩm mà chủ yếu căn cứ vào hợp đồng khai thác/mua bán căn hộ nghỉ dưỡng giữa hai bên.
Hiện chưa có tiêu chí nào để khẳng định bất động sản không hình thành đơn vị ở là loại hình đầu tư mang lại giá trị bền vững. Mặt khác khung pháp lý của loại tài sản này cũng còn nhiều lỗ hổng, chưa hoàn chỉnh. Rủi ro về mặt pháp lý đối với bên mua khi xuống tiền đầu tư loại bất động sản này rất khó lường.
Thành Thống (tổng hợp)
Theo VnExpress
Bất động sản dành cho bạn