Thị trường bất động sản ngày càng phát triển, vai trò của nhà môi giới BĐS càng được đánh giá cao với những yêu cầu khắt khe. Hiện tại, chỉ khoảng 40 nghìn nhà môi giới BĐS có chứng chỉ do cơ quan chức năng cấp. Dù nhiều người đã được đào tạo bài bản, họ vẫn chưa có chứng chỉ do thiếu cơ hội thi.
Cách đây 30 năm, Luật Đất đai năm 1993 ra đời cho phép việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dễ dàng hơn, đã góp phần đặt nền móng đầu tiên cho thị trường BĐS Việt Nam hình thành và phát triển.
Năm 2006, Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Kinh doanh BĐS đầu tiên, trong đó có các nội dung liên quan tới hoạt động đầu tư, tạo lập, mua bán, chuyển nhượng BĐS và hoạt động kinh doanh dịch vụ BĐS. Từ đây, nghề môi giới BĐS tại Việt Nam được khai sinh, được thừa nhận, địa vị pháp lý của nhà môi giới được xác lập rõ ràng.
Đến năm 2014, Quốc hội ban hành Luật Kinh doanh BĐS mới, với các quy định liên quan tới hoạt động môi giới BĐS theo hướng cởi mở hơn.
Cho đến nay, sau gần 20 năm hình thành và phát triển, lực lượng môi giới BĐS đã có nhiều đóng góp vô cùng quan trọng vào sự phát triển mạnh mẽ của thị trường BĐS nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Thông qua lực lượng trung gian này, hàng trăm nghìn giao dịch với giá trị hàng triệu tỷ đồng đã được kết nối thực hiện mỗi năm.
Thực tế, những năm gần đây, cùng với sự phát triển ngày càng “nóng” của thị trường BĐS, vai trò của nhà môi giới BĐS đang ngày càng được đánh giá cao, với những yêu cầu ngày càng khắt khe.
Bên cạnh những môi giới hoạt động không có chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật còn nhiều yếu kém, ngày càng có nhiều môi giới nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao kỹ năng, kiến thức và đạt được chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, thật sự có mong muốn cung cấp thông tin, hỗ trợ giao dịch, tạo ra một môi trường giao dịch hiệu quả và công bằng cho cả người mua và người bán.
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tới thời điểm hiện tại, cả nước mới chỉ có khoảng 40.000 môi giới BĐS được cấp chứng chỉ hành nghề. Dù có nhiều hơn số lượng môi giới này, đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, đã tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới BĐS, sẵn sàng tham gia các kỳ thi sát hạch nhưng lại chưa có chứng chỉ chỉ vì không có “suất" thi.
Trước đó, theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS 2014, Sở Xây dựng các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ.
Tuy nhiên, thực tế trong 10 năm qua, có một số địa phương quan tâm triển khai, nhưng cũng rất hạn chế số lượt, số lượng. Tỷ lệ các kỳ thi chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS được tổ chức còn quá nhỏ so với nhu cầu. Ví dụ tại Hà Nội, địa phương có hàng vạn môi giới BĐS hoạt động nhưng chỉ tổ chức 2, 3 lần trong năm, với khoảng 2, 3 ngàn lượt thí sinh tham dự. TP Hồ Chí Minh cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Dữ liệu nghiên cứu của VARS cũng cho thấy, cả nước chỉ có khoảng 15 địa phương trên 63 tỉnh thành tổ chức các kỳ thi chứng chỉ môi giới BDS.
Trước thực trạng đó, Luật Kinh doanh BĐS 2024 đã được thông qua đã có các quy định mới về phương thức tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới.
Cụ thể, theo Luật Kinh doanh Bất động sản mới, Bộ Xây dựng sẽ là cơ quan tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ. Ngoài phân cấp cho Sở Xây dựng tổ chức kỳ thi và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, Bộ Xây dựng có thể giao hoặc ủy quyền cho một số đơn vị tổ chức kỳ thi, trong đó có Hiệp hội BĐS Việt Nam và Hội Môi giới BĐS Việt Nam.
VARS cho rằng, quy định mới này phù hợp hơn theo quan điểm về một kỳ thi quốc gia nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, thi cử, tránh phát sinh tiêu cực. Thông qua việc rà soát nhu cầu thi, các kỳ thi sẽ được lên kế hoạch tổ chức với quy mô tương ứng. Người làm nghề buộc phải có thái độ nghiêm túc trong việc chuẩn bị kiến thức pháp luật cũng như trải qua đào tạo và sát hạch nghiêm túc để có thể thông qua kỳ thi cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.
Do đó, thời gian tới, cùng với các quy định nâng cao vai trò, ràng buộc pháp lý của nhà môi giới trong các giao dịch, hoạt động môi giới sẽ đi vào nền nếp, chính quy và chuyên nghiệp hơn, sẽ có nhiều hơn môi giới BĐS chân chính, xây dựng thị trường dịch vụ BĐS chuyên nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam nói chung. Đồng thời, dần dần thay đổi sự nhìn nhận của xã hội đối với nghề môi giới BĐS.
Để hướng đến một thị trường dịch vụ BĐS chuyên nghiệp, nâng cao vị thế nghề môi giới, bảo vệ các nhà môi giới BĐS chân chính, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần chỉ định cơ quan thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới BĐS đúng luật.
Bên cạnh đó, để việc quản lý, phát triển thị trường BĐS của Nhà nước thực sự hiệu quả, tiết kiệm ngân sách quốc gia, VARS kiến nghị, rất cần thiết phải rà soát lại, làm rõ vai trò của các hội chuyên môn nghề nghiệp tham gia vào trong quá trình đào tạo chuyên môn, chứng chỉ hành nghề.
Bất động sản dành cho bạn