Trong thời gian gần đây, việc tái cấu trúc và nâng cấp các tòa nhà chung cư cũ tại thành phố Hà Nội đã đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc lựa chọn và thu hút nhà đầu tư tham gia cũng như xác định hệ số bồi thường (hệ số K).
Ông Mạc Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội - cho biết, thành phố đã ban hành đề án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn cùng 6 kế hoạch triển khai. Đáng chú ý, sau khi các đơn vị chức năng vào cuộc tuyên truyền, hiện đã có gần 100 nhà đầu tư quan tâm đề án cải tạo chung cư cũ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội thông tin, khi triển khai đề án cải tạo chung cư cũ cũng không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quy hoạch, công tác xây dựng hệ số bồi thường (hệ số K), tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư...
Sở Xây dựng đã phê duyệt kiểm định cho 1.022 chung cư cũ, trực tiếp kiểm định 126 tòa, các quận, huyện đã nộp hồ sơ kiểm định 47 tòa nhà. Trong thời gian tới, Sở Xây dựng Hà Nội sẽ công bố 53 kết quả kiểm định chung cư cũ, sau khi kiểm định và thực hiện quy hoạch sẽ xây dựng hệ số K, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư theo quy định.
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nhấn mạnh, việc xây dựng, cải tạo lại chung cư cũ ở Hà Nội đã đặt ra từ rất lâu nhưng việc triển khai còn chậm. Hiện Hà Nội có hàng nghìn chung cư cũ nhưng đến nay mới cải tạo, xây dựng được hơn 1%, con số như vậy là quá ít trong khi các khu chung cư cũ đang trong giai đoạn xuống cấp nghiêm trọng.
Chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ cải tạo chung cư, nhà tập thể cũ tại Hà Nội chủ yếu là do mâu thuẫn giữa cải tạo chung cư cũ với quy hoạch của Hà Nội, số lượng dân cư ở nhà chung cư, chung cư cũ, tập thể cũ đang gấp 3 lần so với tiêu chuẩn tập thể của cách đây 50 năm...
Báo cáo của Bộ Xây dựng và các địa phương, hiện cả nước có gần 400 nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại. Trong đó, con số đã hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại chỉ chiếm khoảng 11%, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chưa đạt kết quả đề ra.
Để tháo gỡ những bất cập khiến tiến độ cải tạo chung cư cũ chậm trễ, Bộ Xây dựng mới đây đã tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư (Dự thảo Nghị định). Đáng chú ý, tại Dự thảo Nghị định lần này cũng đề xuất một số cơ chế ưu đãi đối với các dự án xây dựng lại nhà chung cư, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cùng với đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1.1.2025, nhiều chuyên gia bất động sản kỳ vọng những nút thắt trong việc cải tạo lại nhà chung cư cũ sẽ được tháo gỡ, giúp cho việc chỉnh trang đô thị diễn ra nhanh chóng, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong dự án cải tạo lại nhà chung cư cũ.
Dự thảo Nghị định quy định, chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được hưởng cơ chế ưu đãi miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án theo quy định (điểm a khoản 1 Điều 63 của Luật Nhà ở).
Theo đó, chủ đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với một số trường hợp như diện tích đất xây dựng nhà chung cư hiện hữu, diện tích đất xây dựng nhà ở riêng lẻ hiện hữu (nếu có), diện tích đất xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, công trình công cộng, diện tích đất có công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, công trình khác gồm cả diện tích đất có tài sản công thuộc phạm vi dự án xây dựng lại nhà chung cư...
Bất động sản dành cho bạn