Khoảng cách ngày càng lớn giữa tốc độ tăng thu nhập và giá nhà đất khiến nhiều người không đủ khả năng mua nhà tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Báo cáo mới nhất từ Numbeo.com (một trang web chuyên cung cấp thông tin về chỉ số mức sống tại các thành phố và quốc gia trên thế giới thông qua các cuộc khảo sát) cho thấy rằng, vào năm 2024, giá nhà trung bình tại Việt Nam cao gấp gần 24 lần so với thu nhập trung bình hàng năm của một hộ gia đình. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tốc độ tăng giá nhà ở Việt Nam qua các năm đang vượt xa so với tốc độ tăng thu nhập của người dân.
Theo Công ty PropertyGuru Việt Nam, giá rao bán trung bình của các loại hình nhà ở tại Hà Nội đã đạt mức 22,8 tỷ đồng cho mỗi căn nhà mặt phố; 17,8 tỷ đồng cho biệt thự; 6,3 tỷ đồng cho nhà riêng và 4,1 tỷ đồng cho mỗi căn hộ chung cư. Trong khi đó, thu nhập bình quân năm 2023 của người lao động tại Hà Nội ước tính khoảng 135 triệu đồng.
Như vậy, để sở hữu một căn nhà mặt phố ở Hà Nội, người dân cần phải làm việc liên tục không chi tiêu trong 169 năm, trong khi để mua được nhà riêng thì cần 132 năm, và để sở hữu căn hộ chung cư cũng phải mất tới 30 năm.
Trong nửa đầu năm 2024, các phân khúc nhà ở vẫn là điểm nóng của thị trường bất động sản. Đặc biệt, phân khúc căn hộ đã ghi nhận mức độ quan tâm tăng đột biến, khiến giá trên thị trường thứ cấp tăng mạnh.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Tư vấn và Nghiên cứu của Savills Hà Nội, cho biết: “So với cùng kỳ năm ngoái, giá căn hộ trên thị trường thứ cấp trung bình đã tăng 25%, thậm chí các phân khúc hạng B và hạng C còn ghi nhận mức tăng từ 27% đến 29%”. Bà Hằng cũng cảnh báo rằng, việc sở hữu nhà của người dân sẽ trở nên khó khăn hơn nữa nếu khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà tiếp tục nới rộng.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trong một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng ngày càng nhiều bạn trẻ “lười cưới, ngại sinh” vì giá nhà quá cao. Lý do chủ yếu xuất phát từ những áp lực tài chính, trong đó gánh nặng về chi phí nhà ở là yếu tố chính. Bà Phạm Miền, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đánh giá Thị trường Bất động sản Việt Nam, cho rằng khi giá nhà leo thang, giá thuê nhà ở cũng tăng theo, tạo áp lực lớn lên chi phí sinh hoạt hàng ngày của người dân.
Nhiều người trẻ có tư tưởng phải mua nhà trước khi lập gia đình hoặc sinh con. Tuy nhiên, với tình hình giá nhà đất hiện nay, việc sở hữu một căn nhà trở nên quá khó khăn, buộc họ phải “cày ngày, cày đêm” để tích lũy, mà bỏ qua thời điểm lý tưởng để kết hôn và sinh con. Chi phí thuê nhà và sinh hoạt hàng tháng ngốn gần hết thu nhập, khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ dám sinh một con hoặc thậm chí trì hoãn kế hoạch sinh con.
Thực tế cho thấy, TP.HCM - nơi có giá nhà cao nhất cả nước - cũng là thành phố có độ tuổi kết hôn trung bình cao nhất và tỷ lệ sinh thấp nhất. Giai đoạn 2016 - 2018, giá nhà tại TP.HCM liên tục lập đỉnh mới, trong khi đó, thành phố này cũng dẫn đầu cả nước về chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI).
Từ năm 2019, khi giá nhà ở TP.HCM tăng trưởng chậm lại, thì Hà Nội lại chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về giá nhà, và hiện nay đã trở thành thành phố có chi phí đắt đỏ nhất cả nước. Đến thời điểm hiện tại, giá căn hộ tại Hà Nội đang tiệm cận với mức giá tại TP.HCM cách đây 5 năm, với mức giá trung bình lên đến 80 triệu đồng/m². Độ tuổi kết hôn tại Hà Nội cũng đang tăng dần, kèm theo đó là mức sinh giảm sút.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, giá nhà tăng cao đang khiến giới trẻ “ngại cưới, lười sinh,” điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, làm giảm lực lượng lao động và năng suất. Trong ba thập niên tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với gánh nặng an sinh xã hội khi số người cao tuổi dự kiến sẽ vượt quá 30 triệu, chiếm khoảng 25% dân số cả nước.
Bất động sản dành cho bạn