Dù thị trường BĐS đã ghi nhận một số dấu hiệu tích cực, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Điều này làm cho việc đưa ra quyết định đầu tư trở nên phức tạp hơn. Xu hướng dòng tiền chảy vào lĩnh vực BĐS cũng không có xu hướng ồ ạt như trước đây.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu diễn biến phức tạp và khó dự báo, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối ổn định, là nơi "trú ẩn" an toàn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, “rót tiền” vào bất động sản vào thời điểm này vẫn là những đắn đo, trăn trở dù rất nhiều nhà đầu tư đang nắm trong tay tiền mặt.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển, mặc dù có nhiều dự báo tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô như giảm lãi suất tiền gửi, ổn định chỉ số CPI và tỷ giá, nhưng nguy cơ “kẹt” của dòng tiền vào bất động sản vẫn là vấn đề quan trọng.
Ông Hiển cho rằng, vào năm 2024, dòng tiền sẽ có dấu hiệu cải thiện và chảy vào lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên, sự hồi phục sẽ diễn ra từ từ chứ không phải là một sự đổ dồn đột ngột. Nền kinh tế và tiêu dùng nội địa cần thêm cả năm 2024 để vượt qua những thách thức.
Ông Hiển cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù các quy hoạch đầu tư lớn có vẻ khó khăn, nhưng việc kinh doanh nhỏ, cụ thể và từng bước một vẫn còn nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ đến năm 2026, đồng thời cũng trùng với thời điểm dòng tiền cung ra mạnh mẽ.
Thêm vào đó, ông Hiển cho rằng việc tăng cường lĩnh vực đầu cơ bất động sản theo kiểu 2020-2022 và các loại kinh doanh bất động sản siêu lợi nhuận không còn phù hợp trong giai đoạn hiện tại. Do đó, ông khuyến cáo khi lập kế hoạch kinh doanh, nhà đầu tư cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng trong vòng 2 năm để sẵn sàng nắm bắt cơ hội mới, bất kể là trong lĩnh vực kinh doanh hay đầu tư bất động sản.
Dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng cho thấy, nguồn vốn vẫn là khó khăn đeo bám nhiều doanh nghiệp, dòng tiền đổ vào lĩnh vực này vẫn còn đang rất “gập ghềnh".
Theo đó, mặc dù tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành lũy kế 11 tháng đầu năm 2023 mới chỉ vượt qua con số 80 nghìn tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, dù lãi suất huy động liên tục giảm sâu, thiết lập mặt bằng tương đương với thời kỳ dịch Covid-19, lượng tiền gửi của người dân trong các ngân hàng vẫn đang tăng mạnh. Trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tiền gửi dân cư chỉ đạt 2,92%, trong khi trong cùng khoảng thời gian năm 2023, con số này tăng lên 9,95%.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS đánh giá, dòng tiền chưa “hứng" vào bất động sản như kỳ vọng khiến tình hình bán hàng của các doanh nghiệp chưa được cải thiện nhiều. Lợi nhuận trước thuế của một số doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn như Nam Long, Khang Điền, Cenland, Novaland, Đất Xanh Group, Phát Đạt đều ghi nhận sự giảm mạnh, với mức dao động từ 5 đến 97%.
Theo chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng, thị trường sẽ phục hồi từ từ theo kiểu "leo dốc" chứ không phải dựng đứng. Tuy nhiên, điều kiện cho thị trường phục hồi phải nằm trong một tổng thể. Trong đó, nền kinh tế vĩ mô là yếu tố quan trọng hàng đầu. Có thể thấy, kinh tế vĩ mô dần từng bước tốt lên kể từ giữa 2023 đến nay (quý sau cao hơn quý trước). Do đó, khi một nhà đầu tư, hay người mua nhà để ở trước khi quyết định đầu tư thì phải nhìn thấy triển vọng. Điều này sẽ quyết định xu hướng dịch chuyển của dòng tiền.
Bất động sản dành cho bạn