Một số dự án trong KCN đã có đất nhưng không được cấp quyền sử dụng đất. Vấn đề này khá khó khăn cho doanh nghiệp khi không thể thế chấp để vay vốn, không thể xin giấy phép xây dựng hoặc tham gia chương trình kích cầu của thành phố.
Hoạt động đến nay đã 24 năm, Công ty TNHH Cơ khí - Thương mại Nhật Long (Công ty Nhật Long) là doanh nghiệp chuyên chế tạo linh kiện máy công nghiệp và phụ tùng thay thế.
Quy mô nhỏ, với khoảng 30 lao động, nhà xưởng của Công ty Nhật Long tọa lạc trong một khu dân cư hiện hữu thuộc phường Tân Phú, TP. Thủ Đức, TP.HCM.
Ông Nguyễn Ngô Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhật Long, cho hay, ngoài vốn vay ưu đãi, vấn đề các DN vừa và nhỏ đang gặp khó khăn là mở rộng cơ sở sản xuất. Không dễ nhận được đơn đặt hàng từ những đối tác lớn, bởi ngoài chất lượng sản phẩm, đơn vị cung ứng còn phải đáp ứng quy mô nhà xưởng.
Ông Long thông tin, trên địa bàn TP.HCM có hơn 400.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Các khu công nghiệp (KCN) chỉ đáp ứng nơi sản xuất cho khoảng 50.000 doanh nghiệp, phần lớn còn lại đang hoạt động xen cài trong khu dân cư.
“Hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng về xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu dân cư. Nếu xin giấy phép xây dựng thì chỉ được cấp theo dạng nhà ở riêng lẻ, mà nhà ở thì khác hoàn toàn với cơ sở sản xuất. Nhà xưởng không nâng cấp được sẽ dẫn đến DN rất khó đảm bảo an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy”, ông Long nói.
Cũng là doanh nghiệp nhỏ, Công ty TNHH Cơ khí Chính xác Thịnh Phát (Công ty Thịnh Phát) hiện có nhà xưởng rộng 1.000m2 trong một khu dân cư ở Q.12.
Ông Hứa Hữu Thịnh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Thịnh Phát, cho biết, nhà xưởng hiện hữu của công ty nằm trên đất thuê. Để tự chủ cũng như mở rộng quy mô sản xuất, năm 2018, ông đã bỏ tiền thuê khu đất 2.700m2 tại KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè.
“Đến nay, khu đất này vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không thể thế chấp để vay vốn đã đành, công ty còn mất đi cơ hội kinh doanh. Nếu xây dựng được nhà máy trong KCN, công ty sẽ tạo dựng được niềm tin với nhiều đối tác”, ông Thịnh nói.
Đại diện Công ty Thịnh Phát chia sẻ, công ty có kế hoạch xây dựng nhà máy tại KCN Hiệp Phước bằng nguồn vốn tự có. Tuy nhiên, cơ quan thẩm quyền đang ngưng giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng và khu đất này hiện vẫn bỏ hoang.
Theo ông Hoàng Thọ Vương, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương TP.HCM, quỹ đất cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn khá hạn chế. Dù có chính sách kích cầu riêng nhưng quỹ đất là yếu tố khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa mạnh. Hiện TP.HCM có 3 KCN và khu công nghệ cao có phân khu dành riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Về tình trạng ách tắc về thủ tục đất đai tại KCN Hiệp Phước, ông Vương xác nhận, các dự án mới trong KCN này hiện không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do đó, các doanh nghiệp không thể thế chấp để vay vốn, không thể xin giấy phép xây dựng để triển khai dự án theo tiến độ hoặc tham gia chương trình kích cầu của thành phố.
Quỹ đất sản xuất công nghiệp tại TP.HCM vẫn còn nhưng chủ đầu tư các KCN thường phân thành các lô đất có diện tích lớn để ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn trước. Mục đích là để tránh phải điều chỉnh quy hoạch và giảm chi phí đầu tư đường xá, hạ tầng kỹ thuật.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, sản xuất công nghiệp tại TP.HCM đặc thù hơn so với các tỉnh thành khác. Cụ thể, giá trị sản xuất của doanh nghiệp trong KCN chỉ chiếm 35%, 65% còn lại nằm ngoài KCN. Trong khi tại các tỉnh thành khác, giá trị sản xuất chủ yếu trong KCN.
“Sản xuất công nghiệp của thành phố có sự phân tán rất lớn. Theo tính toán sơ bộ, TP.HCM cần chuẩn bị thêm 4.000ha đất để hình thành các KCN chuyên đề, như khu công nghiệp hỗ trợ kỹ thuật cao, khu cơ khí, khu công nghệ sinh học, khu lương thực - thực phẩm,... ”, ông Vũ thông tin.
TP.HCM đang triển khai quy hoạch để định vị lại lĩnh vực công nghiệp. Bên cạnh hỗ trợ về nguồn vốn và thị trường, thành phố sẽ có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất với chi phí hợp lý nhất.
Bất động sản dành cho bạn