Dự báo cho thấy thị trường bất động sản sẽ có triển vọng tích cực trong năm 2024. Tuy nhiên, những quy định mới về dư nợ vay và vốn chủ sở hữu trong Nghị định 96 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 có thể đặt ra những thách thức cho thị trường.
Chuyên gia phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (VPS) đánh giá trong nửa đầu năm 2024, thị trường bất động sản tại Việt Nam đã cho thấy sự hồi phục tích cực.
Tín hiệu hồi phục đã xuất hiện từ cuối năm 2023, khi các doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại thị trường nhờ các chính sách mở rộng tín dụng từ Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Một trong những dấu hiệu tích cực là nguồn vốn FDI vào bất động sản trong 5 tháng đầu năm 2024 đã đạt 70% so với cả năm 2023.
Không chỉ vậy, nguồn cung trên thị trường bất động sản cũng cải thiện đáng kể. Cụ thể, trong quý II/2024, nguồn cung nhà ở sơ cấp đã đạt trên 27.000 sản phẩm, trong đó có gần 18.000 sản phẩm mới. Thanh khoản thị trường cải thiện khi thị trường sơ cấp ghi nhận 20.600 giao dịch thành công, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường ghi nhận thời gian qua giá chung cư đã tăng cao, đặc biệt tại các thành phố như Hà Nội và Đà Nẵng. Hà Nội ghi nhận mức tăng trưởng về giá vượt qua TP. Hồ Chí Minh, với giá bán căn hộ sơ cấp trung bình gần 60 triệu đồng/m². Trong khi đó, lượng giao dịch phân khúc đất nền và thấp tầng tăng mạnh trong quý II. Đất nền vùng ven bắt đầu tăng nhiệt, với giá tăng khoảng 5-10% so với đáy. Hoạt động đấu giá đất tại một số địa phương cũng sôi động hơn.
“Tuy nhiên thị trường bất động sản dự báo vẫn có thể còn đối mặt với nhiều khó khăn phía trước” - chuyên gia VPS nhận định.
Theo đó, dù thị trường bất động sản đã thoát đáy, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp chậm thanh toán nợ trái phiếu. Tính đến ngày 15/7, hơn 80 doanh nghiệp chậm thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 43.500 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, những quy định mới về dư nợ vay và vốn chủ sở hữu bất động sản trong Nghị định 96 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 khiến Doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn trong việc huy động vốn qua phát hành trái phiếu do các quy định chặt chẽ hơn.
Trong 6 tháng cuối năm 2024, chuyên gia VPS dự báo nguồn cung mới sẽ tăng thêm khoảng 25%, tương đương với 17,000 sản phẩm mới. Chính sách tín dụng đang dần được nới lỏng với mặt bằng lãi suất ở mức thấp, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu đầu tư và sở hữu nhà ở, đất đai phục hồi trở lại.
Theo CBRE dự báo, thị trường bất động sản sẽ hồi phục vào năm 2024. Các bộ luật sửa đổi (bao gồm Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai) được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản. Luật Đất đai (sửa đổi) tập trung tháo gỡ vướng mắc về định giá đất và giúp nguồn cung sơ cấp tăng lên.
Ngoài ra, trong nửa cuối năm Chính sách tín dụng đang dần được nới lỏng với mặt bằng lãi suất ở mức thấp. Lãi suất giảm thúc đẩy nhu cầu đầu tư và sở hữu nhà ở/đất đai phục hồi trở lại. Cơ sở hạ tầng được tập trung thúc đẩy phát triển giúp mặt bằng giá các dự án mở bán mới tăng lên.
Theo chuyên gia VPS, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư có thể lựa chọn các doanh nghiệp bất động sản có lợi thế nổi bật và hướng tới mục tiêu đầu tư dài hạn. Một số doanh nghiệp nổi bật nhà đầu tư có thể tham khảo bao gồm:
KDH (Khang Điền House) sở hữu quỹ đất lớn tới 650 ha với giá trị hàng tồn kho lên đến hơn 20.000 tỷ đồng. Mặc dù triển vọng ngắn hạn chưa có nhiều khả quan khi kết quả kinh doanh quý II/2024 ước tính ở mức thấp, nhưng kết quả kinh doanh từ quý IV/2024 dự kiến sẽ hồi phục mạnh mẽ khi nhiều dự án được hoàn thành và bàn giao, như phân khu thấp tầng Emeria và Clarita.
NLG (Nam Long Group) được hưởng lợi trong bối cảnh nguồn cung căn hộ đang thiếu hụt. NLG có lợi thế cạnh tranh mạnh do có quỹ đất lớn và tình trạng pháp lý rõ ràng. Doanh số bán hàng dự kiến tăng trưởng khoảng 8% so với cùng kỳ nhờ các dự án phân khu trung cấp như Southgate, Akari và Central Lake. Ngoài ra, đây là doanh nghiệp có cơ cấu tài chính lành mạnh với tỷ lệ vay/tổng tài sản chỉ khoảng 25%.
Bất động sản dành cho bạn