Quy hoạch 5 khu đô thị vệ tinh Hà Nội được kỳ vọng sẽ đem lại động lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội Thủ đô. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai các dự án này vẫn đang bị đình trệ, không thể giảm tải sức ép cho khu vực nội đô sau hơn 10 năm.
Đất đai đã được thu hồi hơn 10 năm nhưng bà Lê Thị Ghi (thôn 5, xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho rằng, dự án xây dựng khu đô thị vệ tinh Hà Nội đến nay vẫn là một bức tranh dang dở, chưa thành hình rõ nét. Thấy đất đai bỏ hoang lâu năm, bà cùng một số bà con tận dụng chăn thả gia súc, trồng các loại rau màu ngắn ngày. Nằm trong dự án quy hoạch, do chưa đền bù thoả đáng nên đa số người dân tại đây buộc phải bỏ làng xuống Thủ đô, ngược xuôi Bắc Nam mưu sinh tìm miếng cơm manh áo.
“Chúng tôi kỳ vọng nhưng rồi lại thất vọng khi dự án quy hoạch khu đô thị vệ tinh, xây dựng trường đại học vẫn ì ạch hơn 10 năm nay. Mất tư liệu sản xuất, phương án đền bù còn vướng mắc khiến đời sống bà con nơi đây đang rơi vào tình thế đi không được, ở không xong” - bà Ghi nói.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, bà Phùng Thị Hà (xã Thạch Hoà, huyện Thạch Thất) mấy năm nay cũng phải bỏ làng phiêu dạt xuống Hà Nội làm nghề trông bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô.
Bà Hà kể, không chỉ riêng ở huyện Thạch Thất, nhiều người lao động ở địa phương khác cũng đổ về đây làm đủ nghề để kiếm sống. Làng không còn đất đai canh tác, dự án xây dựng dở dang hàng chục năm chưa đi vào hoạt động, dù rất muốn gắn bó với mảnh đất quê hương nhưng những người lao động như bà không thể chờ đợi thêm, phải tìm cách thoát ly.
Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ TTg ngày 26.7.2011 đã xác định cấu trúc phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Cụ thể, tổ chức không gian đô thị Hà Nội theo mô hình chùm đô thị được kỳ vọng là động lực mới quan trọng cho sự phát triển kinh tế, kéo giãn dân cư, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, phát triển hài hòa giữa khu vực trọng tâm và vùng ngoại thành... tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư, thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong khu vực.
Tuy nhiên, sau nhiều năm có chủ trương, 5 khu đô thị vệ tinh Hà Nội (gồm Sóc Sơn, Thạch Thất, Sơn Tây, Phú Xuyên, Xuân Mai) với tổng diện tích gần 25.000ha vẫn chưa được hình thành rõ nét, trong khi khu vực nội đô lịch sử đã bộc lộ rõ dấu hiệu quá tải, ô nhiễm không khí nặng nề.
KTS Hoàng Long - Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội - nhận định, vấn đề liên kết giao thông trong các khu vực dự kiến phát triển đô thị vệ tinh tại Hà Nội đang rất yếu. Mật độ mạng lưới đường mới chỉ đạt từ 1-1,2km/km2, các tuyến đường hiện tại chủ yếu vẫn là đường cấp xã, thôn, quy mô mặt cắt nhỏ và chưa có tuyến đường liên kết tới các khu vực đô thị mới, dẫn tới thiếu động lực để phát triển.
Bên cạnh đó, mạng lưới vận tải công cộng cũng chưa được hoàn thiện, hiện tại chỉ có tuyến xe buýt chạy trên các trục đường chính như Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 21, Quốc lộ 1, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, đường Thăng Long - Nội Bài, Nhật Tân - Nội Bài...
Để các đô thị vệ tinh của Hà Nội có thể hình thành và phát triển thành những đô thị mới đáng sống, KTS Hoàng Long cho rằng - trước tiên cần hoàn thiện mạng lưới giao thông, vận tải nhanh, vận tải công cộng, đồng thời thu hút những nhà đầu tư có tầm để xây dựng nên những trung tâm mới, đủ sức cạnh tranh với nội đô và các đô thị lân cận, tạo dựng môi trường sống lành mạnh, chất lượng cao nhằm hấp dẫn mọi đối tượng cư dân mới của đô thị.
Bất động sản dành cho bạn