Thị trường căn hộ chung cư đang tăng giá không đồng đều, gây ra nhiều bất cập. Tại tọa đàm về Luật Đất đai sửa đổi, các chuyên gia đã bàn luận về sự cần thiết của sự minh bạch và công bằng trong định giá căn hộ, cũng như về việc cải thiện giám sát và thực thi luật để đảm bảo thị trường hoạt động bền vững.
Tại tọa đàm, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng “khủng hoảng phân khúc”. Căn hộ chung cư liên tục tăng giá, thị trường biến mất nhà bình dân. “Một mình phân khúc chung cư có bong bóng”, do cung cầu không còn cân đối hoặc đi ngược hướng vì nguồn cung giảm”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Trên thực tế, hiện trạng khủng hoảng phân khúc đã được Chính phủ đề cập từ 2 năm trước. Nhằm “thoát” khỏi khủng hoảng này, từ 2 năm tước, giải pháp phát triển nhà ở giá rẻ đã được đưa ra và đẩy vai trò giải quyết qua ngân sách và Ngân hàng trung ương. Hai bên này có vai trò “cấp” vốn để thúc đẩy nhà giá rẻ.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết, diễn biến thực tế thị trường cho thấy phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ gần như không có tiến triển đáng kể, trong khi đó căn hộ chung cư thương mại thẳng tiến với tốc độ tăng giá đáng sợ. Vị chuyên gia cho rằng “không thể dựa vào ngân hàng để đẩy nhà ở xã hội lên” mà cần đến những giải pháp quyết liệt khác. Đó là cần đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, làm phương án mới về chính sách nhà ở cho người nghèo.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, giá chung cư sẽ giảm xuống nếu cán cân cung – cầu không quá chênh lệch. Bởi vậy, cần có biện pháp gia tăng nguồn cung trên thị trường, đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án nhà ở xã hội để góp phần đáp ứng nhu cầu cao của người dân. Như vậy, tình trạng leo thang giá cả của chung cư sẽ ngừng lại.
Đó là quan điểm của bà Đỗ Thị Thúy Hằng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Kiến Hưng tại tọa đàm. Cũng theo bà Hằng, thị trường bất động sản Việt Nam đã chững lại trong 2 năm gần đây đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Hàng chục ngành nghề trong xã hội bị ảnh hưởng và kéo theo tốc độ phát triển kinh tế cũng chậm lại. Những người tham gia thị trường giảm thu nhập, kéo theo những ngành phụ trợ khác bị giảm thị phần.
Tuy nhiên, cùng với việc Luật Đất đai sửa đổi được khai thông, thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại. Một trong những tín hiệu khởi sắc đầu tiên được bà Hằng đề cập là ngay từ đầu năm 2024, tỷ lệ môi giới bất động sản trở lại nghề tăng trở lại. “Từ nửa cuối năm 2023 đến đầu năm 2024 là giai đoạn của tiền rẻ, lãi suất thấp cùng với hành lang pháp lý đầy đủ hơn sẽ là yếu tố thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại thị trường”, bà Hằng nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Kiến Hưng cho rằng cơ hội cho người này lại là thách thức cho người khác. Các doanh nghiệp bất động sản quy mô nhỏ cần phải xác định lại định hướng của mình để phù hợp hơn với thay đổi của thị trường.
Nhận định về xu hướng bất động sản năm 2024, bà Hằng chia sẻ, các sản phẩm bất động sản có pháp lý rõ ràng sẽ được ưu tiên. Ngoài ra, các nhà đầu tư thay vì “tất tay” vào một dự án như trước, sẽ phân bổ nguồn tài chính vào nhiều dự án khác nhau nhằm giảm thiểu rủi ro. “Cùng với Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi và sự bắt tay của các bên, thị trường bất động sản thời gian tới sẽ phát triển một cách minh bạch hơn, tốt hơn, không chỉ tốt cho chúng ta mà còn cả cho thế hệ con cháu sau này”, Tổng giám đốc Địa ốc Kiến Hưng nhận định.
Bất động sản dành cho bạn