'Cứu' bất động sản không chỉ mang tính chất quan trọng đối với ngành bất động sản mà còn có tác động to lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Bất động sản là một trong những ngành cung cấp việc làm lớn, đóng góp đáng kể vào GDP và thuế thu nhập quốc gia.
Chính phủ xác định, thị trường BĐS có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" kinh tế, có liên quan trực tiếp đến nhiều ngành kinh tế như công nghiệp xây dựng, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng... BĐS cũng tác động đến thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng, an sinh xã hội, việc làm.
Quản lý và phát triển tốt thị trường BĐS sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, huy động nguồn nội lực to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan như dịch bệnh, chu kỳ tăng trưởng của thị trường, tăng trưởng kinh tế giảm.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan là việc lập, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch chậm; triển khai thực hiện dự án chậm, kéo dài; tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, chứng khoán khó khăn; nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư chưa đạt yêu cầu; xác định giá đất; đặc biệt một số địa phương thiếu chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, cũng như trong phối hợp với các cơ quan Trung ương giải quyết khó khăn; thông tin thị trường chưa đủ minh bạch; cơ cấu sản phẩm BĐS chưa hợp lý; pháp luật còn chồng chéo, việc áp dụng thiếu thống nhất, đồng bộ.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng BĐS có “dây mơ rễ má” với 40 ngành nghề khác, nên khi nó “bất động” lập tức kéo theo các ngành nghề khác ảnh hưởng theo. “Công điện 469 của Chính phủ thể hiện rõ quan điểm phải tháo gỡ khó khăn là điều rất đáng mừng. Chúng ta hy vọng thời gian tới BĐS sẽ có nhiều chuyển biến tích cực” - ông Châu chia sẻ.
Công điện 469 không nói chung chung mà chỉ rõ trách nhiệm các bộ, ngành và địa phương trong phối hợp giải quyết các vướng mắc. Phải coi đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc: vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào cấp đó phải giải quyết. Các bộ, ngành phải hướng dẫn địa phương về các quy định thuộc lĩnh vực của mình để giải quyết vướng mắc, không trả lời né tránh.
Cụ thể, Thủ tướng phân công nhiệm vụ: Bộ Xây dựng tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 theo đúng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc lập, phê duyệt các quy hoạch; việc thực hiện điều chỉnh các quy hoạch; việc áp dụng cấp độ quy hoạch khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, trước ngày 15-6; chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, cơ quan có liên quan rà soát các khó khăn, vướng mắc đối với các nội dung liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy trong các công trình xây dựng để đề xuất giải pháp tháo gỡ trước ngày 30-6.
Công điện 469 cũng yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, bổ sung (nếu có) và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, về các nội dung: lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư; quản lý đầu tư phát triển đô thị; việc xác định chủ đầu tư dự nhà ở thương mại; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; hợp đồng xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng; về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; quản lý dự án đầu tư xây dựng...
Đối với khó khăn, vướng mắc trong bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương giải quyết phù hợp theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, trên cơ sở bảo đảm sản xuất, kinh doanh, hiệu quả, kịp thời thúc đẩy mở rộng tín dụng phù hợp với xu hướng lạm phát giảm và yêu cầu thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án BĐS, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng...
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, người dân, doanh nghiệp, chủ thể có liên quan chung sức, đồng tâm, hợp lực để vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn, thời gian qua có rất nhiều thông điệp của Chính phủ đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, Công điện 469 thể hiện sự quyết tâm rất rõ của Chính phủ để đưa lĩnh vực này thoát khỏi khó khăn.
Tuần qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đã ký quyết định kiện toàn tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP do các sở, ban, ngành TP đang thụ lý hồ sơ. Từ đó, giúp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian theo quy định pháp luật.
Tổ công tác cũng rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình chấp hành quy định pháp luật, để có hướng xử lý theo đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình. Tổ cũng rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều dự án đầu tư công liên quan đến hạ tầng, công trình xây dựng… nên việc TPHCM quyết tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án cũng là tín hiệu vui cho nhiều ngành khác như vật liệu xây dựng, nội thất…
Bất động sản dành cho bạn