Nhiều chỉ đạo từ Chính phủ, các bộ ngành về sắp xếp vốn cho thị trường bất động sản đã được đưa ra ngay từ đầu năm.
Trước những khó khăn của thị trường bất động sản (BÐS), Bộ Xây dựng đã kiến nghị hàng loạt giải pháp để tháo gỡ về tín dụng, trái phiếu DN, sửa đổi pháp luật... Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BÐS (Bộ Xây dựng), Cục sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực do Bộ này quản lý.
Trong đó, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị để các địa phương căn cứ vào thực hiện, không phải như hiện nay mỗi nơi mỗi kiểu. Lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý để lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Trong tháng 5.2023, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Bộ Xây dựng thay mặt Chính phủ sẽ trình luật Nhà ở (sửa đổi), luật Kinh doanh BÐS (sửa đổi) để thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023) đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.
Liên quan đến tín dụng, Bộ Xây dựng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, đề xuất phương án điều hành room tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế. Ðồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bên cạnh đó, hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với các DN, dự án BÐS đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật. Ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình BÐS phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.
Ông Hoàng Hải cho biết các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, BÐS trên địa bàn. Ðánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân đối với các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường. Ðẩy nhanh, cải cách thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy trách nhiệm hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án BÐS trên địa bàn. Ðẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại cho thị trường BÐS.
Bộ Xây dựng cùng với các địa phương sẽ đẩy nhanh đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện việc rà soát, trình, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng để triển khai thực hiện các dự án nhà ở, BÐS. Ngoài ra, các địa phương theo thẩm quyền ban hành hướng dẫn về điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách diện tích đất thành dự án độc lập đối với các diện tích đất công nằm xen kẽ trong dự án.
Theo chuyên gia BÐS Nguyễn Hoàng, những ngày cuối tháng 1.2023, Chính phủ đã có Chỉ thị 03 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão 2023. Mới đây, trong buổi gặp đầu năm với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng là tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường BÐS cả về phía người bán và người mua nhà bằng hàng loạt giải pháp cụ thể như tín dụng, trái phiếu DN, sửa các quy định của pháp luật... Ðiều đó cho thấy người đứng đầu Chính phủ đã nhìn thấy rất rõ rằng tháo gỡ được những khó khăn của thị trường BÐS sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu DN và sở hữu chéo…
"Thời gian qua Ngân hàng Nhà nước phản ứng chính sách còn chậm, chưa kịp thời mà cụ thể là chậm nới room khiến việc bơm tiền vào nền kinh tế chậm vào những tháng cuối năm 2022, từ đó khiến thị trường BÐS và cả nền kinh tế đã khó càng thêm khó. Do vậy hiện nay cần tháo gỡ ngay cho DN, nhất là các DN lớn có tính chất "đầu đàn". Khi BÐS được hồi sinh sẽ có tác động lan tỏa đến cả ngành kinh tế", chuyên gia Nguyễn Hoàng nói thẳng.
Bởi theo ông, BÐS là một trong 24 ngành quan trọng nhất thuộc nhóm 1, có tính chất dẫn dắt hàng ngàn ngành nghề còn lại. Hầu như không có ngành nào là không liên quan đến BÐS. Thế nhưng thời gian qua, vẫn chưa có một chính sách cụ thể, mạnh mẽ, trọng tâm để tháo gỡ khó khăn cho thị trường này. "Vấn đề quan trọng nhất của BÐS hiện nay là tín dụng ngân hàng. Năm 2023 đã bắt đầu thì các ngân hàng nên cho vay trong room của 2023. Bên cạnh đó, lãi suất còn đang quá cao nên người mua cũng phải đắn đo tính toán thiệt hơn khi đi vay. Do đó lãi suất cần phải giảm để hỗ trợ người mua nhà", ông Hoàng đề xuất.
TS Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh và Quan hệ quốc tế (Trường đại học Kinh tế TP.HCM), cho rằng những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay những ngày đầu năm mới, cho thấy sự quan trọng của ngành này như thế nào. Xem đây là ngành kinh tế trọng yếu, khi "nóng" hay "lạnh" đều tác động rất lớn và ngay lập tức đến các ngành khác nên cần phải tháo gỡ, vực dậy càng sớm càng tốt. Hiện thị trường lao dốc lỗi không phải chỉ do DN mà do nhiều yếu tố như: dịch Covid-19, thắt chặt tín dụng, lạm phát toàn cầu… Ngoài ra, có những vấn đề nội tại như vướng mắc về pháp lý, đất công, quy hoạch hay sai phạm trong quản lý nhà nước cũng khiến thị trường, DN gặp khó khăn. Nên cần phải nhìn nhận rõ những nút thắt để gỡ.
TS Huỳnh Phước Nghĩa nhấn mạnh đây không phải là giải cứu mà là quan tâm tháo gỡ những hạn chế, bất cập mà thị trường, DN và người dân đang gặp phải. "Những gì giải quyết được, trong tầm tay có thể tháo gỡ ngay thì cần làm sớm để thị trường thông thoáng hơn. Những chủ đầu tư có quỹ đất, có sức khỏe tài chính tốt, có chiến lược tốt cũng cần được hỗ trợ. Ðặc biệt là cần có sự điều tiết vốn cho thị trường BÐS. Như gói 30.000 tỉ đồng từng được tung ra thì nay cũng cần một cú huých để hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội, nhà vừa túi tiền", TS Huỳnh Phước Nghĩa nói.
Bất động sản dành cho bạn