Trong tháng đầu năm 2023, lãi suất được đánh giá là vẫn đang nằm ở mức cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì vậy cần đến sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, ngân hàng và nỗ lực từ chính các doanh nghiệp.
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế đánh giá, thách thức lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 là các tác động của kinh tế thế giới, do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Vì vậy, những vấn đề như suy thoái, lạm phát, hay các biến động chính trị đều ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu Việt Nam - một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng.
Từ năm 2022, các thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng cũng như thị trường bất động sản, chứng khoán của chúng ta đã gặp nhiều khó khăn. Việc lành mạnh hóa các thị trường này cũng đang là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
“Đặc biệt, suốt hai năm 2020-2021, cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động ở mọi khía cạnh bởi dịch Covid - 19, từ cung đến cầu và gần như đại bộ phận các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn chưa có tiền lệ. Do đó, năm 2022 Chính phủ, Quốc hội đã có một gói về phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thực hiện trong hai năm 2022 – 2023. Nhưng từ đó cũng dẫn đến việc có một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp của Việt Nam đã chuyển sang trạng thái lệ thuộc vào sự hỗ trợ, mà không đánh giá xem xét nội tại bản thân các doanh nghiệp ra sao”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
Nhìn từ góc độ ngân hàng, ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ VPBank cho biết, trong năm 2023, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sẽ vẫn có những khó khăn nhất định, xuất phát từ hai yếu tố đó là: Thứ nhất, thị trường sẽ tiếp tục hướng đến câu chuyện về mặt lãi suất, lạm phát và chính sách room tín dụng.
Thứ hai, là khó khăn nội tại của cộng đồng doanh nghiệp như thiếu tài sản thế chấp, chưa có sự chuẩn chỉ về mặt quản trị, điều hành, quy mô nhỏ,... Đây đều là những yếu tố gây ra khó khăn cho việc tiếp cận vốn của các DNVVN.
Dự báo về lãi suất, ông Hưng nhìn nhận điều này tương đối khó. Chúng ta cần căn cứ vào tình hình nội tại, những diễn biến trong quá khứ, nhất là của năm 2022 để phác thảo ra bức tranh lãi suất năm 2023, để nhìn nhận rằng mặt bằng lãi suất trong năm nay sẽ tiếp tục cao và chưa có cơ hội giảm. Có thể sẽ vẫn tăng, nhưng tăng ít hơn so với quá khứ hoặc giữ nguyên và tình hình lãi suất toàn cầu cũng tương tự vậy.
“Một yếu tố quan trọng nữa là tình hình nội tại của Việt Nam, sự quyết liệt của Chính phủ trong huy động toàn bộ các lực lượng, kể cả hệ thống ngân hàng, các kênh huy động vốn của nền kinh tế và cả hệ thống doanh nghiệp, làm sao để hạ được mặt bằng lãi suất, giúp doanh nghiệp dễ thở hơn, dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn hơn”, ông Hưng nhấn mạnh.
Về mặt giải pháp, vị đại diện ngân hàng VPBank cũng nêu, doanh nghiệp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn cần đi đúng ngành nghề, lĩnh vực cốt lõi của mình và phải minh bạch các số liệu tài chính, tình hình hoạt động càng nhiều càng tốt. Đồng thời nên có sự lựa chọn các sản phẩm đa dạng khác nhau của các ngân hàng, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, phía doanh nghiệp nên có sự tính toán cẩn trọng về dòng tiền trong tương lai sau khi vay được vốn. Nguồn vốn đã là một trở ngại, thì sau khi vay được vốn, việc sử dụng càng phải cẩn trọng, thông minh.
Đối với ngân hàng cũng sẽ có sự chuẩn bị cho câu chuyện này, trước hết là luôn tìm tòi các nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, với những đặc điểm mang tính chất ưu đãi hơn so với thị trường để cung ứng ra nền kinh tế. Hay chuẩn bị thêm các sản phẩm đa dạng khác nhau, hướng tới câu chuyện thực hiện số hóa cho cộng đồng doanh nghiệp. Số hóa là vấn đề chúng ta phải làm bền bỉ, có sự đầu tư từ trước.
Ngoài ra, là chuẩn bị nguồn nhân lực, chuyên viên của ngân hàng sẽ tiếp tục thiện chiến hơn trong việc phục vụ, đánh giá nhu cầu của doanh nghiệp, thận trọng hơn nhưng cũng phải hỗ trợ hơn.
Trao đổi với phóng viên, TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV TP. Hà Nội chia sẻ, trong năm 2023, việc tiếp cận các nguồn vốn với lãi suất hợp lý và có sự điều chỉnh, hay điều hành vĩ mô của Chính phủ, Quốc Hội không hẳn là khó khăn, mà quan trọng là điều kiện của các doanh nghiệp có thể đáp ứng về mặt thủ tục đối với hệ thống ngân hàng đang còn rất nhiều mặt hạn chế.
Các doanh nghiệp, cần phải giữ một mối quan hệ bền vững, lâu dài với hệ thống ngân hàng. Còn phía ngân hàng cũng luôn mong muốn tìm kiếm người dân, doanh nghiệp có tín dụng minh bạch, sử dụng đúng mục đích và có quan hệ đối với hệ thống ngân hàng trong một quá trình lâu dài.
Ông Mạc Quốc Anh cho biết, với điều kiện thực tế hiện nay, căn cứ vào rất nhiều yếu tố trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, việc điều chỉnh tăng hay giảm lãi suất của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào tài chính khu vực và thế giới. Bản thân các doanh nghiệp, nhất là DNNVV cần có sự điều chỉnh, cắt giảm nguồn liên quan đến bộ máy quản trị, những chi phí không hợp lý và phải trích lập dự phòng rủi ro, để có nhiều điều kiện đáp ứng cho hệ thống ngân hàng giải ngân vốn.
“Từ phía Hiệp hội, chúng tôi chắc chắn sẽ phải chia nhóm các ngành lĩnh vực đang gặp khó khăn, từ sản xuất, thương mại đến dịch vụ để có chương trình hỗ trợ trực tiếp, bằng cách mời gọi các hệ thống ngân hàng Nhà nước đến tư nhân, các công ty chứng khoán đến tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp cả về thủ tục, hồ sơ, đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ làm tài chính trong hệ thống các doanh nghiệp.
Cùng với đó, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành, để kéo thêm nhiều dự án, các nhà đầu tư, kết nối họ sử dụng các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam”, TS. Mạc Quốc Anh nói.
Chia sẻ quan điểm của mình, TS. Vũ Đình Ánh phân tích, các doanh nghiệp có rất nhiều việc phải làm. Họ là những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế, vì vậy luôn phải đối mặt với những biến động, các yếu tố tác động tiêu cực từ cả phía thị trường quốc tế cũng như trong nước.
Vấn đề đầu tiên là các doanh nghiệp phải luôn luôn có sự chủ động trong phương án sản xuất kinh doanh, trong mọi trường hợp kể cả khi thuận lợi hay khó khăn. Vấn đề thứ hai là với bản thân các doanh nghiệp, phải hết sức tăng cường tính chủ động, giảm bớt sự trông chờ vào hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước, của Chính phủ.
Vấn đề thứ ba là khi doanh nghiệp đánh giá tình hình, đối mặt với khó khăn, cần chú ý đến các nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Nếu là nguyên nhân khách quan có thể đề xuất, kiến nghị, nhưng nếu là nguyên nhân chủ quan thì bản thân các doanh nghiệp phải tự mình điều chỉnh.
Bất động sản dành cho bạn