Với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, TPHCM đang đề xuất rất nhiều chính sách nhằm khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại.
UBND TP.HCM vừa trình Bộ KH&ĐT báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM. Theo đó, chính quyền TP đưa ra khoảng 52 đề xuất, trong đó đáng chú ý là chín nội dung đề xuất liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư, 15 nội dung về lĩnh vực quản lý đô thị và môi trường, 14 đề xuất liên quan đến lĩnh vực tài chính…
Đối với 14 nội dung trong lĩnh vực tài chính, TP.HCM đề xuất một nội dung đáng chú ý là việc thu thuế đối với cá nhân sở hữu nhà thứ hai. Cụ thể, TP đưa ra hai phương án sau:
Phương án 1: Thí điểm thu thuế đối với nhà và đất mà chủ sở hữu không trực tiếp sử dụng cho cá nhân và gia đình (nhà đất thứ hai trở lên).
Phương án 2: Chấp thuận cho TP tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên gồm lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất…
Với phương án 1, chính quyền TP.HCM nhận định có ba thách thức gồm: Việc bảo đảm điều chỉnh bất cập về bất bình đẳng trong hệ thống thuế hiện hành vì chưa quy định việc đánh giá, phân biệt rõ đối với tài sản thứ hai trở lên; khả năng bảo đảm nguồn thu so với các sắc thuế hiện hành (bảo đảm điều chỉnh đúng đối tượng và góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước); công tác quản lý và công tác thực hiện thu cũng còn phải rà soát kỹ lưỡng: Cơ sở dữ liệu về nhà ở, quy định về việc định giá nhà đất, thông tin nhà đất trên phạm vi một TP và sự liên kết thông tin với các địa bàn khác.
Vì vậy TP lựa chọn phương án 2, bởi trước mắt có thể xem xét điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà đất trên địa bàn để làm cơ sở, tiền đề cho việc ban hành sắc thuế mới. Chính sách này cũng giúp điều tiết được hành vi của một bộ phận trong việc quản lý, sử dụng nhà đất trên địa bàn. Tạo thêm cơ sở thực tiễn khi tổng kết, đánh giá việc ban hành chính sách để điều tiết hành vi đầu cơ nhà đất trên các địa phương; đóng góp thêm vào khoản thu ngân sách nhà nước để phục vụ các nhiệm vụ chi trên địa bàn…
“Ngoài ra, lựa chọn phương án 2 cũng để có cơ sở đánh giá hiệu quả thu ngân sách nhà nước cũng như phục vụ công tác xác định chính xác đối tượng thu, mức thu thì cần thiết phải có cơ sở dữ liệu liên quan đến bất động sản trên địa bàn TP…” - chính quyền TP lý giải.
Trong lĩnh vực quản lý đầu tư, TP.HCM đề xuất chín nội dung, trong đó đáng chú ý là các nội dung liên quan đến việc đầu tư hạ tầng giao thông.
Cụ thể, địa phương muốn được cho phép HĐND TP xem xét, quyết định việc thực hiện đầu tư dự án đầu tư công độc lập để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng dọc theo tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2, tuyến vành đai 2, 3, 4, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, rạch Xuyên Tâm và tại khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa để tổ chức lại đô thị, thực hiện dự án tái định cư tại chỗ hoặc tạo quỹ đất để tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD).
Theo chính quyền TP, đề xuất trên sẽ tạo dựng mặt bằng “sạch”, tạo quỹ đất để huy động nguồn lực ngoài xã hội tham gia đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần chỉnh trang đô thị, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời giảm áp lực cho ngân sách địa phương trong việc phải cân đối, bố trí phần vốn đầu tư xây dựng công trình trên đất.
Cạnh đó, TP cũng đề xuất được áp dụng loại hợp đồng BOT đối với các dự án đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa đường bộ. Bởi theo quy hoạch tầm nhìn đến năm 2030, địa phương phải đầu tư khoảng 454 km đường bộ, gồm các tuyến đường cao tốc, vành đai, quốc lộ, các tuyến giao thông trục chính, cầu lớn… Với tổng kinh phí dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 266.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 được giao cho lĩnh vực giao thông chỉ 52.744 tỉ đồng.
Vì vậy, TP đề xuất cơ chế trên để xem xét đầu tư sáu dự án giao thông, trong đó tập trung đối với các tuyến đường trục chính đô thị, kết nối vùng, quốc lộ đi qua địa phận TP như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, đường trục Bắc - Nam, hoàn chỉnh mặt cắt ngang vành đai 2… với tổng mức đầu tư gần 120.000 tỉ đồng.
TP cũng đề xuất được thực hiện dự án đầu tư thuộc lĩnh vực giao thông theo phương thức xây dựng - chuyển giao (hợp đồng BT) trên địa bàn. Vì địa phương có nhiều lợi thế về tiềm lực khai thác quỹ đất hấp dẫn nhà đầu tư tham gia đầu tư, với phương thức Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất hoặc bằng vốn ngân sách TP trả chậm.
Bất động sản dành cho bạn