Con số này vượt trội so với mức tăng chung của tín dụng trên địa bàn, khi mà trong 7 tháng đầu năm 2024, tín dụng tại TP.HCM chỉ tăng 3,9%.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM, cho biết dư nợ tín dụng bất động sản tại thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, với tháng sau cao hơn tháng trước. Đến cuối tháng 7/2024, tổng dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn đã vượt mức 1 triệu tỷ đồng, chiếm 27,6% tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,5% so với cuối năm 2023. Con số này vượt trội so với mức tăng chung của tín dụng trên địa bàn, khi tín dụng chung trong 7 tháng đầu năm chỉ tăng 3,9%.
Đáng chú ý, cho vay nhà ở, bao gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm khoảng 57% tổng dư nợ bất động sản trên địa bàn. Đặc biệt, dư nợ cho vay nhà ở xã hội đạt 2.543 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm ngoái. Trong đó, giải ngân từ gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng chỉ đạt 170 tỷ, chủ yếu dành cho dự án nhà ở cho công nhân thuê tại TP Thủ Đức.
Ngoài ra, tín dụng bất động sản phục vụ sản xuất kinh doanh, như cho vay phát triển hạ tầng KCN-KCX, xây dựng văn phòng, cao ốc, nhà hàng, khách sạn và khu du lịch, cũng đạt tốc độ tăng trưởng khá tốt.
Ông Lệnh nhấn mạnh, "Đây là những kết quả khả quan về hoạt động tín dụng bất động sản trên địa bàn, phù hợp với xu hướng tăng trưởng của thị trường. Tuy nhiên, tín dụng bất động sản chủ yếu là các khoản vay trung dài hạn, do đó sự phát triển bền vững và hiệu quả của thị trường đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại."
Theo Cục Thống kê TP.HCM, tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ tín dụng tại TP.HCM ước tăng 4,5% so với cuối năm 2023 và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nước, đạt 6,63% (theo thống kê đến 26/8). Tăng trưởng tín dụng tại TP.HCM có xu hướng chậm lại trong thời gian gần đây, từ mức tăng 4% trong tháng 6, giảm xuống 3,9% trong tháng 7 và sau đó tăng trở lại 4,5% vào tháng 8/2024 so với cuối năm 2023.
Cục Thống kê TP.HCM nhận định rằng khả năng hấp thụ vốn vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Điều này tạo ra thách thức lớn đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cả năm, nếu không có các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Bất động sản dành cho bạn