Sở GTVT TP.HCM vừa trình UBND TP báo cáo rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển GTVT vào Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến 2060.
Sau thời gian rà soát, Sở GTVT TP.HCM đánh giá quy hoạch cũ hiện có nhiều bất cập.
Đơn cử, về đường bộ, lộ giới Quốc lộ 1 theo Quyết định số 568 và các đồ án quy hoạch phân khu dọc tuyến chưa thống nhất; thành phố có hệ thống sông kênh rạch lớn, hiện nay đã có quy định về hành lang an toàn sông, kênh rạch nhưng chưa có quy hoạch tuyến đường ven sông, kênh rạch để tăng cường mạng lưới giao thông kết hợp chỉnh trang, phát triển đô thị.
Đặc biệt, quy hoạch sử dụng đất dọc các tuyến vành đai, cao tốc, nhà ga hành khách công cộng chưa được quy hoạch theo định hướng TOD để phát huy giá trị đất, tạo nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông khu vực.
Đối với quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh, quy hoạch chung của các quận, huyện có bố trí quy hoạch địa điểm và quy mô phù hợp, cơ bản đáp ứng chỉ tiêu về vị trí và quy mô bến bãi được phân bổ trên từng quận huyện. Tuy nhiên, các vị trí quy hoạch bến bãi đa số nằm xem kẽ trong các khu vực chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hoặc có hiện trạng hạ tầng kỹ thuật kém, không đảm bảo khả năng kết nối.
Đồng thời, không có quy hoạch bãi đỗ xe công cộng phục vụ cư dân trong các đồ án quy hoạch khu dân cư; thiếu các vị trí bãi đậu xe tải và bến xe hàng để tập kết hàng hóa và tổ chức phân phối vào trung tâm TP.
Từ quan điểm trên, Sở GTVT đề xuất điều chỉnh điểm bắt đầu của các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ khu vực TP.HCM bắt đầu từ đường Vành đai 3. Cùng với đó, kéo dài tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành đến cửa khẩu Hoa Lư (Bình Phước); bổ sung 2 tuyến cao tốc là Gò Dầu - Xa Mát (Tây Ninh) nối từ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài tại Gò Dầu đến cửa khẩu Xa Mát và tuyến cao tốc kết nối phía nam với các tỉnh ĐBSCL, tuyến TP.HCM (Nhà Bè) - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng khoảng 150 km.
Song song, bổ sung các tuyến Quốc lộ 22B, 13B, 22C, 50B giảm tải cho các tuyến quốc lộ hiện hữu. Tuyến đường bộ ven biển phía nam cũng được kiến nghị đưa vào quy hoạch, phạm vi TP.HCM từ cầu Hiệp Phước - đường cao tốc liên vùng phía nam đến ranh tỉnh Tiền Giang.
Tương tự đường bộ, hệ thống đường sắt hiện cũng chưa có quy hoạch phát triển đô thị theo mô hình TOD tại các ga đường sắt quốc gia và các ga đường sắt đô thị (ĐSĐT).
Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất chưa có kết nối giữa các tuyến MRT (metro) số 2, số 4, số 5. Tuyến MRT số 6 có chiều dài tuyến ngắn, số lượng ga ít sẽ khó đạt hiệu quả khai thác. Tuyến monorail số 3 cũng có chiều dài tuyến ngắn và trùng lặp với mục đích của tuyến MRT số 4. Ngoài ra, chưa quy hoạch hệ thống đường sắt chuyên dụng kết nối giữa các cảng hàng hóa và cảng container.
Sở GTVT đánh giá mạng lưới ĐSĐT cần nghiên cứu, bổ sung phù hợp với tình hình phát triển đô thị trong tương lai, khi khu đô thị tương tác cao phía đông phát triển và khi các huyện trở thành quận hoặc TP.
Cụ thể, đường sắt quốc gia hiện hữu nên dừng tại Bình Triệu khi đường sắt tốc độ cao đưa vào khai thác. Đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng sẽ định hướng tận dụng một phần để xây dựng ĐSĐT kết nối sân bay Tân Sơn Nhất - ga Bình Triệu - ga Thủ Thiêm và sân bay Long Thành. TP sẽ kéo dài tuyến đường sắt TP.HCM - Tây Ninh đến cửa khẩu Mộc Bài để có thêm phương án kết nối liên vận quốc tế với đường sắt Campuchia.
Đồng thời, bổ sung tuyến nhánh kết nối tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ với ga đầu mối hành khách trung tâm Bình Triệu. Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ không kéo dài đến Cà Mau để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Trong khi đó, đoạn tuyến đường sắt nhẹ Bàu Bàng - cửa khẩu Xa Mát sẽ chuyển về cho địa phương đầu tư...
Bất động sản dành cho bạn