Tín dụng đổ vào bất động sản vẫn tăng từ đầu năm đến nay với gần 15,7%. Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm đạt gần 11% - mức cao nhất nhiều năm.
Ông Nguyễn Quốc Anh nhận định, chính sách kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao trong đó có bất động sản đang khiến thị trường gặp khó khăn về giao dịch và gây ảnh hưởng mạnh đến thanh khoản chung của thị trường.
Chuyên gia dẫn chứng, trong quý III, mức độ quan tâm đến loại hình bất động sản bán trên cả nước tiếp tục giảm mạnh. Riêng trong tháng 9, nhu cầu tìm mua các loại hình bất động sản đều chứng kiến mức sụt giảm mạnh khi lượt tìm kiếm đất nền cả nước giảm 50%, căn hộ giảm 9%, nhà riêng giảm 25% và biệt thự liền kề giảm 12% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Theo chuyên gia, tình trạng khát vốn đã diễn ra từ đầu năm đến nay. Cả hai kênh dẫn vốn quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu cho các doanh nghiệp triển khai dự án đều khá khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều người mua nhà cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.
“Sức ép cho các chủ đầu tư là rất lớn trong giai đoạn sắp tới. Giao dịch bất động sản cũng đang gặp nhiều sức ép khi việc tiếp cận tín dụng của các nhà đầu tư khó khăn hơn. Thị trường đang có hiện tượng ngộp từ những người mua sử dụng vốn vay”, vị này nhận định.
Chuyên gia CBRE dự báo, trong những tháng cuối năm 2022, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách.
Đơn cử, nguồn cung tiếp tục hạn chế, đặc biệt là nguồn cung ở phân khúc trung cấp và bình dân. Đối với những người mua để ở sẽ không có nhiều lựa chọn do hầu hết các nguồn cung mới sẽ tập trung ở phân khúc cao cấp trở lên.
Ngoài ra, mặc dù chính sách thắt chặt tín dụng đang dần được nới lỏng nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vẫn vô cùng khó khăn đối với cả nhà đầu tư cá nhân và các chủ đầu tư dự án. Việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng kết hợp giá nhà tiếp tục gia tăng khiến tính thanh khoản của thị trường bị sụt giảm.
Bên cạnh đó, những thông tin trên thị trường liên quan đến các thay đổi pháp lý (quy định về thời hạn sở hữu chung cư, áp dụng thuế tài sản,…) cũng như những cuộc điều tra trên thị trường về các sai phạm của chủ đầu tư có thể gây ảnh hưởng tới tâm lý người mua.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về thực hiện Nghị quyết Số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn và Nghị quyết Số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 15, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu: Tới cuối tháng 9, tín dụng đạt gần 11,6 triệu tỷ đồng, tăng xấp xỉ 11% so với cuối năm ngoái - mức cao nhất so với cùng kỳ nhiều năm, phù hợp diễn biến phục hồi kinh tế.
Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, sản xuất, kinh doanh còn lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ. Chẳng hạn, tín dụng vào lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản tăng gần 7,6%; công nghiệp xây dựng xấp xỉ 7,4%; còn thương mại dịch vụ tăng 11,34%. Một số lĩnh vực khác như nông nghiệp, nông thôn có mức tín dụng tăng gần 9,3%; xuất khẩu tăng gần 2,7%; công nghiệp hỗ trợ 11,6%...
Đáng chú ý, đến cuối tháng 8, tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng gần 15,7% so với cuối năm 2021, và tăng thêm khoảng 3,7% so với 3 tháng trước đó. Với tỷ lệ này, vốn tín dụng "chảy" vào bất động sản chiếm hơn 20,9% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 0,26% so với hồi tháng 5.
Theo Ngân hàng Nhà nước , tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích vay tự sử dụng, tăng hơn 20,1%; kinh doanh bất động sản tăng 7,35%.
Trong khi vốn vào bất động sản tăng mạnh, vốn rót vào đầu tư, kinh doanh chứng khoản giảm mạnh hơn 35%, chiếm 0,32% tổng dư nợ tín dụng hệ thống ngân hàng.
Tương tự, tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông cũng giảm, đến cuối tháng 6 giảm 1,72% so với cuối 2021, và chiếm 0,88% tổng dư nợ tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã áp dụng các biện pháp giám sát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ... cũng như thực hiện các giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.
Một số văn bản pháp lý về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hệ thống ngân hàng được cơ quan quản lý tiền tệ ban hành nhằm giám sát chặt và có cảnh báo sớm về cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro. Việc thanh, kiểm tra hoạt động cấp tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, theo Ngân hàng Nhà nước, sẽ được đưa vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành, định kỳ hàng năm.
Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng khi cấp vốn cho bất động sản phải tăng kiểm soát chất lượng tín dụng, thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay... nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo dòng vốn chảy đúng đích.
"Các ngân hàng cũng cần hạn chế dòng vốn tín dụng "chảy" vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, các dự án bất động sản quy mô lớn. Thay vào đó, đưa vốn vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hiệu quả cao, các dự án vay vốn khả thi, đảm bảo tính pháp lý, có thanh khoản tốt..." - báo cáo nêu.
Bất động sản dành cho bạn