Không ngại vượt qua những thách thức của thị trường BĐS, có tới 68% trong số 1.000 người được khảo sát đã thể hiện ý định mua BĐS trong vòng một năm tới. Đáng chú ý, 87% những người đã sở hữu ít nhất 3 BĐS đã thể hiện mong muốn mua thêm, đứng đầu trong khu vực với tỷ lệ cao nhất.
Một số khảo sát được công bố từ các đơn vị nghiên cứu thị trường BĐS cho thấy, người Việt vẫn có nhu cầu rất cao trong việc xuống tiền mua nhà đất, ngay cả khi thị trường khó khăn.
Nghe thông tin có nhiều chính sách tốt cũng như loạt quy hoạch cấp tỉnh vừa được Thủ tướng phê duyệt mới đây đang mở ra cơ hội cho nhà đầu tư BĐS, chị Thuý Miến (Hà Đông, Hà Nội) dành gần 1 tuần qua để tìm kiếm cơ hội đầu tư BĐS.
“Khi lãi suất bắt đầu hạ nhiệt thì giao dịch thị trường BĐS sẽ tốt lên, BĐS vẫn là kênh đầu tư yêu thích bởi nhu cầu ở thực, sở hữu BĐS của người Việt rất lớn”, chị Miến chia sẻ.
Ngoài những tín hiệu tốt về chính sách, lãi suất, nhiều nhà đầu tư cũng chờ "cú hích" giải ngân vốn đầu tư công đang được Chính phủ, bộ ngành và các địa phương tăng tốc. Anh Minh Tuấn (Cầu Giấy, Hà Nội) – một nhà đầu tư tìm BĐS có khả năng hưởng lợi nhờ hạ tầng – cho biết, nếu tiến độ giải ngân đảm bảo, các dự án hạ tầng giao thông trọng yếu sẽ có đủ nguồn lực để cán đích, thanh khoản và giá cả nhiều khu vực sẽ tốt lên.
Không chỉ hai nhân vật nêu trên, mà trong số 1.000 người Việt tham gia khảo sát tâm lý mua BĐS đầu năm 2023 thì cũng có tới 1%, tương đương hơn 610 người bày tỏ ý định muốn mua BĐS trong 1 năm tới .
Cũng theo dữ liệu khảo sát tâm lý người mua BĐS thì có tới 87% người đã sở hữu 3 BĐS trở lên có nhu cầu tiếp tục mua nhà, đất trong năm tới. Trong khi đó, người đã sở hữu 1-2 BĐS thì có nhu cầu tiếp tục mua nhà, đất chiếm lần lượt 66 -79%. Còn nhóm người chưa có nhà, đất thì có nhu cầu mua BĐS chiếm 46%.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com khu vực miền Nam nhận định, so với các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia thì nhu cầu mua BĐS ở Việt Nam đang ở mức cao hàng đầu khu vực và chủ yếu người mua là với mục đích để đầu tư thay vì ở thực như các nước vừa nêu.
Khảo sát của cũng tương đồng với khảo sát từ đơn vị của chuyên gia Trần Khánh Quang. Theo đó, nhiều người Việt Nam có tâm lý xem BĐS là thước đo thành tựu cả đời bên cạnh mục tiêu tích lũy tài sản, chờ cơ hội sinh lời trong tương lai.
Trong đó, ở độ 30 tuổi, người Việt bắt đầu dốc sức mua căn nhà đầu tiên . Từ 35 tuổi trở lên họ lại bị thôi thúc sở hữu thêm, hướng đến mua BĐS thứ hai. Đến khi 40 tuổi, họ muốn sở hữu 3 BĐS trở lên. Bước sang 50 tuổi khi dòng tiền nhàn rỗi lớn, nhà đầu tư muốn có 4 -5 loại BĐS khác nhau.
Khảo sát năm 2022 của một trang nghiên cứu cũng chỉ ra, bất chấp nhiều khó khăn của thị trường, 70% hộ gia đình có thu nhập 40 - 70 triệu đồng vẫn mua thêm ít nhất 1 sản phẩm BĐS. Đặc biệt, người càng nắm giữ nhiều BĐS thì xu hướng muốn mua thêm nhà, đất của họ càng tăng. Minh chứng là 79% người đang có 2 BĐS có dự định mua thêm BĐS trong tương lai gần, tỷ lệ này ở những người đã làm chủ 3 BĐS lên đến 87%.
GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng, ở Việt Nam, người ta luôn quan niệm đầu tư BĐS là con đường làm giàu nhanh và nhàn nhất . Do đó, nhu cầu đầu tư BĐS luôn cao nhất khu vực.
Bởi lẽ, thị trường BĐS của nước ta là thị trường non trẻ vì chỉ chính thức được công nhận từ năm 1993 đến nay. Do đó, các thể chế liên quan đến thị trường, trong đó có sắc thuế đối với việc đầu cơ đất đai chưa rõ ràng, còn rất nhẹ nhàng so với các nước trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung nên việc mua bán BĐS còn diễn ra dễ dàng và tự do.
Ông Trần Xuân Lượng, TS chuyên ngành Bất động sản, Đại học Kinh tế Quốc dân chỉ ra, BĐS là cái phễu hút vốn của nhà đầu tư. Nguyên nhân là vì Việt Nam là nước đang phát triển nên quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đang được đẩy mạnh, mà cả hai quá trình này đều cần mở rộng mặt bằng. Do đó, nhu cầu về đất đai là rất lớn, từ đó thị trường BĐS trở nên khan hiếm và đắt đỏ, kéo theo nhu cầu đầu tư vào thị trường này rất lớn.
Đồng thời, GDP của nước ta gồm một phần lớn nguồn tiền từ đầu tư nước ngoài – FDI, trong đó có cả nguồn tiền của những người đi xuất khẩu lao động gửi về và chiếm gần 4 – 5% GDP, tương ứng với chi tiêu của một ngành. Điều đáng nói là nguồn tiền của những người đi xuất khẩu lao động gửi về nhà thường không đi vào sản xuất mà chủ yếu đi vào đầu tư và trải qua vòng vèo một số khâu, cuối cùng nguồn tiền này thường đổ về BĐS.
Thậm chí, sau khi cổ phần hóa, thị trường chứng khoán nước ta phát triển với nguồn tiền khổng lồ thì sau cùng cũng đổ phần lớn vốn về BĐS.
Đặc biệt, người Việt nói riêng và người Á Đông nói riêng đều chịu sự ảnh hưởng của nền văn minh lúa nước. Do đó tâm lý tích trữ ruộng đất luôn mang lại cảm giác an toàn cho người dân vì quan niệm “tấc đất, tấc vàng” và “an cư thì mới lạc nghiệp”. Do đó, người ta luôn coi việc đầu tư nhà, đất là đầu tư bền vững, tích trữ tài sản.
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing cho rằng, nhà đầu tư đang có xu hướng đầu tư dòng tiền ổn định thay cho lướt sóng, đầu cơ. Trong đó, yếu tố “tạo ra dòng tiền tốt” sẽ lên ngôi trong thời điểm này của thị trường.
Để đạt được yếu tố này, nhà đầu tư cần cân nhắc điều kiện “3 có” bao gồm: Có pháp lý tốt để dễ dàng chuyển nhượng; Có sẵn hoặc nhanh chóng hình thành cộng đồng dân cư xung quanh để cho thuê ngay; Có vị trí đẹp (tính khan hiếm), tổ hợp dịch vụ đa tiện ích, vận hành chuyên nghiệp để đảm bảo tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Muốn tìm được dòng BĐS này, cần tìm được chủ đầu tư có uy tín và tiềm lực tài chính tốt . Vì chỉ như vậy họ mới có thể có quỹ đất đẹp, đủ lớn làm hạ tầng, đảm bảo chất lượng và tiến độ bàn giao, pháp lý đẩy đủ để đảm bảo giá trị sản phẩm tăng ở mức cao trong tương lai…
Bất động sản dành cho bạn