Việc bỏ khung giá đất mang lại nhiều điểm tích cực, song cũng khiến nhiều chuyên gia, nhà đầu tư lo ngại có thể khiến chi phí đầu vào của các dự án đội lên, đẩy giá nhà tăng theo.
Theo các chuyên gia, nếu bỏ khung giá đất, người dân có thể được đền bù sòng phẳng hơn và có thể hạn chế nhà đầu tư "tay không bắt giặc".
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được cơ quan soạn thảo là Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến nhân dân. Dự luật bỏ quy định khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với giá phổ biến trên thị trường. UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, hệ số điều chỉnh biến động giá trước khi ban hành.
Bảng giá đất sẽ được xây dựng định kỳ hàng năm và công bố vào ngày 1/1 của năm. Trong thời gian thực hiện, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động, UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Nội dung này được đánh giá là đột phá, vì Luật Đất đai 2013 đang có hiệu lực quy định khung giá đất do Chính phủ ban hành định kỳ 5 năm một lần, với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện, nếu giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung cho phù hợp.
Hiện nay, khung giá đất là cơ sở để UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất, định kỳ 5 năm một lần, công bố vào ngày 1/1 năm đầu kỳ. Khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất thị trường biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất phù hợp.
Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính tiền sử dụng đất; thuế sử dụng đất; phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai; bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai. UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể, làm căn cứ tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất; tiền sử dụng đất; tiền thuê đất.
Theo các chuyên gia, bỏ khung giá đất có thể thúc đẩy bất động sản minh bạch hơn, giá tài sản có thể cao hơn nhưng là giá trị thực tế (không phải là giá ảo) đồng thời quá trình sàng lọc của thị trường trở nên khốc liệt hơn.
Các tỉnh, thành phố căn cứ khung giá đất của Chính phủ để xây dựng bảng giá đất định kỳ 5 năm/lần và mỗi năm sẽ ban hành thêm hệ số giá đất. Bảng giá đất được sử dụng làm căn cứ tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính thuế sử dụng đất; tính tiền phạt vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai...
Thực tế, khung giá đất do Chính phủ quy định có độ “cứng” cao và khó điều chỉnh linh hoạt theo biến động thị trường cũng như đặc thù từng địa phương, nên trong thực tế đã xảy ra những khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử, tại Đồng Nai, có những dự án kéo dài hơn 10 năm chưa hoàn thành như các khu công nghiệp: Sông Mây, Bàu Xéo, Hố Nai, Amata…, đa số đều ách tắc ở khâu bồi thường và phần lớn liên quan đến giá bồi thường.
Vì vậy, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai cho rằng, bỏ khung giá đất là thích hợp, vì khi Nhà nước thu hồi đất sẽ căn cứ vào giá thị trường để bồi thường cho người dân; các dự án bồi thường nhanh, có mặt bằng để thi công sẽ sớm hoàn thành đưa vào khai thác; đồng thời hạn chế được tình trạng khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai.
Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, khi bỏ khung giá đất, thì những vướng mắc trước đây không xử lý được liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng; cơ chế, quyền lợi cho chủ sử dụng đất sẽ được giải quyết nhanh hơn. Chưa kể, khi giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư sẽ dựa vào cơ chế thị trường để tính giá trị đền bù đất, như thế sẽ phá bỏ được sự chênh lệch giữa giá trị thật và giá trị ảo.
Bên cạnh những điểm tích cực, không ít chuyên gia, nhà đầu tư lo ngại, việc bỏ khung giá đất có thể khiến chi phí đầu vào của các dự án đội lên, đẩy giá nhà tăng theo. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản đang phải chịu rất nhiều sức ép, từ việc vốn vay bị siết chặt đến gánh nặng chi phí, pháp lý, nhân công, giá vật liệu xây dựng tăng… Nay gánh thêm chi phí liên quan đến giá đất, có thể khiến doanh nghiệp khó càng thêm khó.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, khi bỏ khung giá đất, thì giá cả sẽ được tính theo nguyên tắc thị trường. Có thể chi phí đầu vào sẽ tăng lên, nhưng các chủ đầu tư sẽ chủ động được việc tính toán, đưa ra phương án từ đầu, hiệu quả kinh tế mang lại lớn hơn. “Có thể giá nhà sẽ cao hơn, nhưng cao hơn ở mức độ nào đó thị trường chấp nhận được, thậm chí có thể tự nó sẽ điều chỉnh giá, thì hoàn toàn có thể yên tâm”, ông Đính nói.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Asian Holding cho rằng, việc bỏ khung giá đất sẽ chỉ liên quan đến chuyển nhượng thứ cấp, còn việc đền bù giải phóng mặt bằng thì chưa thể khẳng định chắc chắn. Hiện nay, có một số phương pháp tính tiền sử dụng đất như so sánh trực tiếp, thặng dư…. Đa số doanh nghiệp áp dụng theo phương pháp thặng dư (tức là tính doanh thu đầu vào, đầu ra, trừ chi phí, trừ lợi nhuận định mức của chủ đầu tư sẽ ra tiền sử dụng đất). Bản chất phương pháp thặng dư chỉ áp dụng bảng giá đất một phần.
“Đa phần chúng tôi khi làm dự án đều tính theo phương pháp thặng dư. Vì vậy, việc bỏ khung giá đất tác động đến doanh nghiệp như thế nào cần phải chờ hướng dẫn chi tiết mới biết được”, ông Hậu nói.
Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam kiến nghị, cần xác định rõ thế nào được cho là giá đất phổ biến trên thị trường có sự biến động để làm căn cứ điều chỉnh bảng giá đất, bởi giá đất luôn biến động từng ngày xuất phát từ nhiều lý do và có tình trạng cố tình thổi giá. Nếu căn cứ vào biến động, thì có nguy cơ phải điều chỉnh liên tục, gây mất ổn định và càng khó khăn hơn để làm cơ sở khi đền bù thu hồi đất.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, Chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) cho biết thị trường bất động sản có thể bước sang giai đoạn loại bỏ chênh lệch địa tô, hạn chế đầu cơ tràn lan và giảm thiểu các chủ đầu tư "tay không bắt giặc" nếu bỏ khung giá đất.
Ông Nghĩa nhận định, về phía người người dân, bỏ khung giá đất hướng tới kịch bản giúp mọi người được đền bù (thu hồi đất) một cách sòng phẳng theo giá thị trường đồng thời Nhà nước cũng thu thuế được nhiều hơn. Trong giai đoạn đầu bỏ khung giá đất, giá bất động sản có thể đồng loạt tăng cao nhưng đây là giá trị thực tế, không phải giá ảo như các đợt nóng sốt chớp nhoáng.
Theo ông Nghĩa, tác động của việc bỏ khung giá đất đối với các doanh nghiệp bất động sản sẽ ảnh hưởng lớn đến cục diện thị trường địa ốc. Cụ thể, doanh nghiệp đền bù giải phóng mặt bằng theo giá thị trường, về lý thuyết có thể thúc đẩy tiến độ tạo lập quỹ đất nhanh hơn, nhưng chi phí sẽ đắt đỏ hơn.
Chi phí đầu vào cao, tức các chủ đầu tư phải bỏ ra dòng vốn nhiều hơn so với trước đây mới phát triển được dự án, điều này trực tiếp loại bỏ chủ đầu tư yếu kém ra khỏi thị trường. Chi phí đầu vào cao nên chắc chắn giá thành phẩm cũng cao. Tuy nhiên, giá quá cao sẽ bán ế, vì vậy chủ đầu tư cần phải phân cấp sản phẩm linh hoạt sao cho vừa có lãi, vừa có thanh khoản.
Kịch bản này đòi hỏi các doanh nghiệp bất động sản phải có tiềm lực tài chính vững mạnh mới đủ khả năng thực hiện các bước tạo lập quỹ đất, hoàn tất pháp lý, tiến hành xây dựng và bán sản phẩm ra thị trường. Từ đó, chỉ có doanh nghiệp trường vốn mới kinh doanh bất động sản được, triệt tiêu việc chủ đầu tư theo kiểu vốn ít, vay nhiều để cầm cự, hưởng lợi từ chênh lệch địa tô (bồi thường thấp bán dự án thành phẩm giá cao).
Ông Nghĩa phân tích, ở khía cạnh thị trường vốn dành cho bất động sản cũng sẽ có nhiều chuyển biến tích cực nếu bỏ khung giá đất vì hướng đi này sẽ hỗ trợ các ngân hàng thẩm định năng lực các chủ đầu tư phát triển dự án sát với thực tiễn hơn. Từ đó, việc cho vay không bị méo mó vì kỳ vọng vào chênh lệch địa tô. Cơ chế một giá cũng giảm thiểu các tư duy lợi dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư địa ốc, giúp hạn chế được nợ xấu cho hệ thống ngân hàng (hiện nay nợ xấu tại các nhà băng nhiều nhất vẫn là tài sản thế chấp bất động sản).
Doanh nghiệp bất động sản sẽ phải thay đổi tư duy, thay đổi cả cách đầu tư, cách phát triển sản phẩm khi cơ chế bỏ khung giá đất được vận hành. "Các chủ đầu tư sẽ hướng tới giai đoạn cạnh tranh bằng cách tạo ra giá trị tài sản khác biệt, sáng tạo chứ không thể trông chờ vào chênh lệch địa tô và xây dựng các khối bê tông na ná nhau như mấy thập kỷ qua", ông Nghĩa dự báo.
Bất động sản dành cho bạn