UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn về việc tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố, trong đó có việc quản lý, kiểm soát chặt hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất.
Căn cứ chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2-3-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội"; UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở chuyên ngành, UBND quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội căn cứu theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ thực hiện các công điện, văn bản, của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng về đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất. Các đơn vị cũng cần đánh giá, rà soát nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản và tăng cường quản lý tình hình thị trường bất động sản.
Khu đất rộng 5 ha ở xã Cổ Dương, H.Đông Anh, Hà Nội liên quan đến việc doanh nghiệp thông đồng với cán bộ để trúng đấu giá đất
Công văn nêu rõ từ khâu thiết lập hồ sơ dự án đấu giá quyền sử dụng đất, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chuẩn bị quỹ đất thực hiện đấu giá cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Trong đó, các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra, đánh giá hoạt động của các tổ chức tư vấn đấu giá quyền sử dụng đất, lựa chọn tổ chức tư vấn đấu giá có uy tín, trách nhiệm và tuân thủ quy định của pháp luật.
Tổ chức công bố công khai thông tin về các dự án đấu giá quyền sử dụng đất và kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất hằng năm được phê duyệt bảo đảm minh bạch thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng đất tiếp cận đất đai.
Thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ trình tự, thủ tục tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định. Rà soát, kiểm tra, đánh giá, đề xuất kiến nghị xử lý theo quy định đối với trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất không thực hiện nghĩa vụ tài chính đúng, đủ theo phương án được phê duyệt hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Thường xuyên rà soát, tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu đấu giá khoảng 1.561,42ha đất tại 634 dự án. Song, từ đầu năm đến nay, UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội mới tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại 33 dự án với gần 5,9 ha đất ở (không tính đất xây dựng hạ tầng).
Theo đó, Hà Nội thu được khoảng 3.106 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất (đạt khoảng 25% chi tiêu năm 2022; trong đó, số thu từ năm 2021 chuyển sang là 1.991 tỷ đồng).
Từ kết quả trên cho thấy tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn Hà Nội vẫn còn chậm. Nguyên nhân được cho là bởi một số khó khăn, vướng mắc từ khâu thiết lập hồ sơ đấu giá đến chuẩn bị các thủ tục thực hiện đấu giá. Việc bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất để thực hiện các dự án đấu giá chưa thực sự nhận được sự đồng thuận của người dân bị thu hồi đất.
Việc xác định giá khởi điểm (phải thuê tư vấn xác định giá) còn chậm; phương pháp xác định giá đất còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, việc ứng vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển Thành phố đối với các dự án giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để đấu giá còn vướng mắc theo Luật Đầu tư công…
Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của DĐDN, một trong những nguyên nhân là "tâm lý e ngại của các quận huyện" khi tổ chức đấu giá còn thận trọng, cầu toàn. Bên cạnh đó, các công ty tư vấn thẩm định giá hiện đều e ngại hoặc từ chối tham gia xác định giá đất (khởi điểm) vì sợ rủi ro liên quan đến pháp luật.
Sở dĩ bởi gần đây hoạt động đấu giá đất được chú ý hơn sau vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Cũng từ đó những góc khuất trong hoạt động đấu giá đất như tình trạng "quân xanh, quân đỏ" hoặc thổi giá đất lên cao rồi bỏ cọc để trục lợi… cũng đã được chỉ rõ.
ThS Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản nhấn mạnh: Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng và dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tới đây sẽ chuẩn hóa và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động đấu giá đất.
"Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất nhất định phải được ban hành, sửa đổi kịp thời, tạo khung khổ pháp lý hiệu quả, khả thi để điều chỉnh hoạt động đấu giá, góp phần thiết lập thị trường bất động sản vận hành minh bạch, lành mạnh" - ông Đỉnh khẳng định.
Bất động sản dành cho bạn