Hàng ngàn hồ sơ mua bán nhà đất bị trả lại để khai cho sát với giá thị trường. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định “sẽ thu thuế đất theo giá của thị trường” tại cuộc giao ban báo chí ngày 17/8.
Theo Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, căn cốt xảy ra tham nhũng, khiếu kiện đất đai là định giá đất. Hiện có 4 phương pháp định giá đất , nhưng cơ quan định giá áp phương pháp này thì ra giá này, áp dụng phương pháp kia ra giá kia, dẫn đến chênh lệch giá.
Phải thay đổi cách định giá, thay đổi từ quản lý hành chính sang là công cụ kinh tế. Khung giá sẽ thay đổi bằng bảng giá thị trường.
Theo đó, Nhà nước muốn giao đất thì phải đấu giá để lấy giá thị trường. Người dân muốn chuyển nhượng cho nhau thì phải lên sàn và thỏa thuận với nhau theo giá thị trường. Giá thị trường có thể biến động nhưng sẽ có phương pháp đưa đến giá trị trung bình của thị trường ổn định.
“Các nước đã có nhưng điều đó chỉ làm được khi mọi người giao dịch đất đai phải trên sàn, phải công khai, giá đất thực và người nào không cung cấp thông tin thực phải xử lý theo quy định pháp luật. Đấu giá đất vừa rồi ở Thủ Thiêm không phải là thị trường mà là "thổi giá"”, ông Trần Hồng Hà cho biết.
Theo đó, giá đất thị trường dùng phương pháp đưa tất cả giá đất giao dịch phổ biến trong thời điểm bình thường để đưa thành giá trị trung bình.
Ông Trần Hồng Hà cũng cho biết: “công việc này phải công khai, minh bạch, mọi thứ giao dịch trên sàn phải thực. Người không công khai, không đăng ký thì không thừa nhận quyền sử dụng đất”.
Dự kiến đến năm 2025, dữ liệu đất đai sẽ hoàn thành, theo đó dữ liệu sẽ bao gồm các cơ sở dữ liệu thông tin về đất đai về diện tích, loại tài nguyên, vị trí địa lý, kinh tế (giá đất). Ngoài ra kết nối với hệ thống dữ liệu dân số, thuế. Người dân sẽ có thông tin quy hoạch đất đai quốc gia, tỉnh, huyện… Dựa theo bản đồ và quy định công thức để người dân có thể tự định giá được từng thửa đất.
“Hiện đang thí điểm làm được 32 tỉnh, với mấy trăm huyện và đang kết nối với Bộ Công an vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu thuế…”, ông Trần Hồng Hà cho biết.
Bộ trưởng Hà nêu rõ, bỏ khung giá đất là cần thiết bởi đây là thứ không rõ ràng và sẽ dần được thay thế bằng bảng giá đất hằng năm, tiếp đó là giá thị trường.
Bảng giá thị trường trong thời gian tới có thể xác định giá ở từng thời điểm, tuy nhiên để thực hiện được sẽ phải cần 5-10 năm. Bên cạnh đó, sẽ tính toán đất đã được giao phải sử dụng hiệu quả theo tiến độ dự án khi đấu thầu, đấu giá.
Hiện nay UBND cấp tỉnh sử dụng khung giá đất do Chính phủ ban hành để xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương. Trong khi giá tối đa đưa ra trong khung giá đất rất thấp, do đó bảng giá đất hiện nay chỉ bằng 20 - 30%. Trước đây, Chính phủ có nghị định 12, Bộ Tài chính có thông tư 92 quy định nếu giá người dân khai thấp hơn bảng giá đất thì cơ quan thuế sẽ lấy bảng giá đất làm cơ sở, nếu khai cao hơn sẽ lấy giá khai để tính thuế. Tuy nhiên cũng có nhiều người dân khai thấp hơn giá bán thật.
Do vậy cần phải xây dựng bảng giá đất chuẩn, sát thị trường để tạo thuận lợi cho cơ quan thuế có căn cứ để xác định giá trong hợp đồng có chênh lệch hay không so với giá thật. Bảng giá đất này có thể thuê các đơn vị định giá độc lập thực hiện, cùng với đó là tham khảo giá từ ngân hàng để có dữ liệu chuẩn. Mặt khác, quy định bảng giá đất được điều chỉnh 5 năm/lần cũng không hợp lý bởi yếu tố trượt giá, biến động hằng năm. Vì vậy cần điều chỉnh bảng giá đất hằng năm để đảm bảo sát giá thị trường.
Sau khi đã có các giải pháp trước mắt và lâu dài làm căn cứ so sánh giá kê khai và giá mua bán thật, nếu thấy có dấu hiệu phạm tội trốn thuế thì có thể phối hợp cùng cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh, xử lý. Việc trốn thuế lâu nay cũng bị xử lý ít, chưa đủ sức răn đe.
Theo nhiều chuyên gia, để việc quản lý giá tốt hơn, giải pháp căn cơ hơn là phải xây dựng trung tâm dữ liệu số quốc gia về giá bất động sản và cập nhật thường xuyên để làm cơ sở tham khảo giá. Trong lúc chờ dữ liệu quốc gia, các địa phương như TP.HCM có thể xây dựng dữ liệu cho địa phương.
Bất động sản dành cho bạn