Lạm phát đang được kiểm soát tốt, có thể trong tháng 9, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét nới room cho 13 ngân hàng từ 4 - 5%.
Sau nhiều ngày sốt ruột chờ đợi, những thông tin mới nhất về nới room tín dụng đã được hé lộ. Thị trường kỳ vọng nhà điều hành sẽ thực hiện việc cấp room tín dụng ngay trong tháng 9 này.
Hạn mức tín dụng sẽ được cấp cho từng ngân hàng riêng biệt, không cố định mà sẽ xem xét thay đổi từng đợt khi cần thiết, dựa trên tình hình hoạt động kinh doanh thực tế của từng ngân hàng.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cho biết, chi nhánh đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân bổ trong 6 tháng đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm, chi nhánh này chỉ còn chưa đầy 100 tỷ đồng để đáp ứng các nhu cầu vay vốn của khách hàng. Điều này khiến cho chi nhánh rơi vào thế khó, bởi nhu cầu của khách hàng những tháng cuối năm thường tăng cao, đặc biệt là giai đoạn kinh tế ngày càng hồi phục.
"Nếu đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, chi nhánh sẽ vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng. Ngược lại, nếu chỉ tăng trưởng trong hạn mức đã được cấp, ngân hàng phải chấp nhận nghe doanh nghiệp, người dân phàn nàn vì không vay được vốn. Rất khó cho ngân hàng. Vì vậy, chi nhánh chúng tôi cũng đã đề xuất lên Ban lãnh đạo ngân hàng, xin được mở thêm room để cho vay từ nay cho tới cuối năm", Giám đốc chi nhánh ngân hàng này cho hay.
Đây không phải là câu chuyện của riêng một ngân hàng nào, mà là tình trạng chung không ít ngân hàng đang phải đối mặt. Việc tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm quá cao khiến nhiều ngân hàng phải xin nới hạn mức cho nửa cuối năm và đang chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt.
Thực tế, không chỉ ngân hàng mà các doanh nghiệp cũng đang rất sốt ruột vì câu hỏi room tín dụng sẽ như thế nào tới đây. Nguyên nhân là doanh nghiệp đang thiếu vốn trầm trọng, nếu không được đáp ứng nhu cầu vốn trong những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp sẽ "tuột" mất các cơ hội kinh doanh.
Giám đốc công ty thức ăn chăn nuôi tại Phú Thọ nói với PV Dân Việt, ông đã có tới 10 lần lỡ cơ hội kinh doanh bởi không tiếp cận được vốn, đặc biệt là các nhu cầu vay vốn từ tháng 10 trở đi hầu như đều không được đáp ứng với lý do "ngân hàng không còn room".
Dù cả doanh nghiệp và ngân hàng đề rất mong chờ, nhưng đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ quan điểm thận trọng trong việc nới room tín dụng.
Các chuyên gia cho rằng, việc thận trọng trong tăng trưởng tín dụng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi áp lực lạm phát ngày càng gia tăng và tỷ lệ tín dụng/huy động vốn từ thị trường 1 (tiền gửi của doanh nghiệp và người dân) đã đạt 99%, đồng nghĩa với hệ thống ngân hàng huy động được 100 đồng thì cho vay tới 99 đồng. Tuy nhiên, không nên quá lo ngại mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi.
Theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, lạm phát tại Việt Nam hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy, nếu chúng ta có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá thịt lợn thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%. Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt.
Về thanh khoản của hệ thống, ông Lực cho rằng hoàn toàn trong khả năng kiểm soát. Tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trong thị trường 1 theo tính toán sơ bộ đến thời điểm hiện nay là 92%, vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay 25,2% và ngưỡng cho phép của NHNN bắt đầu từ 1/10 năm nay là 34%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát.
Theo quan sát của vị chuyên gia này, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn đặc biệt là từ tháng 6,7,8. Tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay đã khác không còn ở tỷ lệ 20% - 80% như trước đây mà đã cải thiện hơn rất nhiều.
Không kiến nghị cụ thể về room tín dụng, song TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tín dụng hiện mới chỉ chiếm chưa đầy 50% tổng vốn đầu tư toàn nền kinh tế. Vì vậy, không phải "bung" tín dụng là sẽ gây ra lạm phát, quan trọng là tín dụng rót vào lĩnh vực nào. Nếu sử dụng vào các lĩnh vực hiệu quả, tăng tín dụng sẽ không "kích" lạm phát lên.
Chuyên gia này cho rằng, nếu chờ đợi đến quý IV mới nới room tín dụng là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. "NHNN cần lưu ý đến vấn đề này và theo tôi nên xem xét trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau cực kỳ nguy hiểm và nợ xấu ngân hàng tăng lên", ông nhận định.
Đồng thời, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.
Nhiều nguồn tin cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gửi thông báo tới các ngân hàng thương mại về việc điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng mới của cả năm 2022, trong đó có khoảng 15 ngân hàng được nới room tín dụng lần này với các hạn mức khác nhau.
Nguồn tin từ TTXVN cho biết, bốn "ông lớn" ngân hàng và một số ngân hàng thương mại tư nhân có điểm chấm tốt hoặc tham gia tái cơ cấu đã được NHNN cấp thêm hạn mức tín dụng từ 1 - 4%.
Trong đó, Sacombank (STB) là ngân hàng được cấp thêm room tín dụng nhiều nhất trong năm nay với 4%. Room tín dụng được cấp cho Agribank là 3,5%; HDBank (HDB) 3,4%; MBBank (3,2%); OCB (3,1%); VIB (3%). Vietcombank và Techcombank cùng được cấp thêm 2,7%. TPBank được bổ sung thêm 1,2%. Một số ngân hàng khác cũng được nới room nhưng ở mức khiêm tốn hơn.
Trong thông tin báo chí sáng 7/9, NHNN không nêu rõ những ngân hàng nào được nới room tín dụng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh room tín dụng đợt này của ngân hàng vẫn dựa trên đơn đề nghị của các NHTM và căn cứ điểm xếp hạng của NHNN như: Kết quả xếp hạng từng TCTD theo Thông tư 52 (đã được sửa đổi, bổ sung); xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như: TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Theo NHNN, tính đến hết tháng 8/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ hai năm trước. Nhiều NHTM gần đây cũng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng được cấp từ đầu năm, khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.
Với Vietcombank, tính đến 30/6/2022, tín dụng của nhà băng này đã tăng tới 14,4%. Nếu tính thêm cả trái phiếu, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này ước tính đạt gần 14,6%, vượt khá xa so với hạn mức 10,5% được cấp trước đó.
Tăng trưởng tín dụng của MBBank đến cuối tháng 6/2022 đã là 14,25%, xấp xỉ mức trần 15% được NHNN cấp.
Với BIDV, năm nay ngân hàng này được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mức 10%. Tuy nhiên, hết tháng 6/2022, tín dụng đã tăng 9,8%. Nếu tính cả số dư nợ tín dụng cấp thông qua đầu tư trái phiếu, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm của nhà băng này đã vượt mức 11%.
Là ngân hàng được cấp thêm room tín dụng nhiều nhất 4% (mức cũ là 7%), Sacombank còn dư địa cho vay hơn 11.000 tỷ đến hết năm nay (tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2022).
Với ưu tiên kiểm soát lạm phát, NHNN vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm quanh mức 14%. Như vậy, dư địa tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống còn lại hơn 4% cho đến hết năm. Theo SSI Research, điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng. Con số này được cho là có thể phần nào giải toả “cơn khát” tín dụng nhưng khó có đáp ứng được hết nhu cầu vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Bất động sản dành cho bạn