Nhiều nhà đầu tư không chuyên đã lao vào các cơn "sốt đất", nhưng khi thị trường hạ nhiệt, họ bị mắc kẹt lại, thậm chí bán cắt lỗ để thoát hàng.
Không ít nhà đầu tư không chuyên chứng kiến câu chuyện làm giàu từ đất cũng lao vào các cơn sốt đất đu đỉnh thời gian qua. Tưởng ngon ăn nhưng đến khi thị trường hạ nhiệt họ bị mắc kẹt lại, thậm chí chấp nhận cắt lỗ để thoát hàng. Tuy nhiên, không phải cứ chấp nhận lỗ sẽ bán được hàng.
Thời gian qua, thị trường bất động sản khắp nơi liên tục lên cơn “sốt đất”. Theo đó, câu chuyện kiếm tiền trăm triệu, tỷ đồng từ bất động sản không còn hiếm đối với giới đầu tư địa ốc. Mặc dù, cơn sốt bất động sản đã kéo trong thời gian dài nhưng nhiều người thấy người khác kiếm được tiền nên sợ mất cơ hội, vẫn tiếp tục ôm tiền lao vào cơn sốt đu đỉnh. Đến nay, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại ở nhiều địa phương, đặc biệt là phân khúc đất nền. Không ít nhà đầu tư "tay ngang" chậm chân bị mắc kẹt lại, khi mua vào đúng vùng đỉnh giá đất.
Theo anh Nguyễn Sáng, nhà đầu tư tay ngang tại Hà Nội, cuối năm 2021, tiếp tục rộ lên thông tin quy hoạch đô thị ven sông Hồng, thị trường bất động sản Đông Anh lập tức “nóng” trở lại. Theo đó, anh Sáng không ngần ngại vay tiền mua một lô đất tại khu vực này.
“Từ đầu năm 2021, thấy bạn bè tôi kéo nhau về Đông Anh mua đất, nghe nói thời điểm đó thị trường không có hàng để bán, cứ có lô nào là hết ngay lô đấy. Đến cuối năm, thông tin quy hoạch tiếp tục quay trở lại, thấy vậy chỉ trong vài ngày tôi đã chốt mua lô đất rộng 90m2, với giá 45 triệu đồng/m2, tổng hơn 4 tỷ đồng, trong đó, khoảng 2 tỷ đồng là tôi đi vay”, anh Sáng nói.
Đầu năm 2022, vì cần tiền nên anh Sáng rao bán lô đất đang nắm giữ. Tuy nhiên, suốt 4 tháng qua lô đất của anh vẫn đang nằm “bất động”, bởi đa phần người mua đều muốn giảm giá sâu.
“Trước khi rao bán tôi có tham khảo người môi giới bán mảnh đất này, họ định giá mảnh đất của tôi phải được gần 50 triệu đồng/m2, còn nói thêm nên giữ lại vì sẽ tăng giá tiếp. Nhưng dù rao bán bằng giá mua nhưng mãi không thấy ai mua mà tôi đang cần tiền nếu bán thì phải chấp nhận cắt lỗ vì ai cũng chê giá cao. Còn giữ lại, tôi lo khi thị trường vẫn trầm lắng thế này giá có thể tiếp tục đi xuống, thậm chí chôn vốn”, anh Sáng than thở.
Tình cảnh tương tự cũng đến với anh Trường (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Theo anh cho biết, cuối năm 2021, anh xuống tiền mua mảnh đất 87m2 tại Thanh Oai (Hà Nội) với mức giá gần 2,2 tỷ đồng, tương đương hơn 25 triệu đồng/m2.
“Trước đó bạn bè tôi đã kiếm được rất nhiều tiền từ đất tại khu vực này. Trong nhà đang có sẵn gần 1 tỷ đồng nên tôi quyết định xuống tiền. Nghĩ sẽ lướt sóng kiếm lời thành công nên chỗ còn thiếu tôi đi vay. Nhưng đến nay, lãi chưa thấy, mỗi tháng xoay xở trả đến hơn 40 triệu đồng cả gốc và lãi”, anh Trường nói.
Theo anh Trường, khu vực Thanh Oai hiện nay thị trường trầm lắng, nhiều nhà đầu tư cũng đã rao bán lỗ để thoát hàng, mức lỗ sẽ tùy thuộc vào vị trí mảnh đất.
Bất chấp chủ trương tăng mạnh mức thuế tài sản, không ít nhà đầu tư bất động sản có dòng tài chính mạnh vẫn đang âm thầm gom đất để chờ chu kỳ tăng giá mới. Và theo nhiều chuyên gia, để tăng cơ hội tiếp cận nhà ở cho người dân, đánh thuế chưa hẳn là giải pháp tối ưu.
Một cuộc thăm dò mới đây của Việt An Hòa - công ty nghiên cứu thị trường, chỉ ra trong 3 năm vừa qua, gần 80% khách mua bất động sản trên thị trường là người có ý định đầu tư, 70% trong số đó đang sử dụng đòn bẩy tài chính và có tới 30% đang sử dụng vốn vay trên 50%.
Việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn đang khiến không ít nhà đầu tư non kinh nghiệm đuối sức khi thị trường bất động sản chững lại, thanh khoản thấp, dẫn tới một làn sóng “cắt lỗ” (10 - 30% so với mặt bằng giá) xuất hiện thời gian qua và được dự báo tiếp tục lan rộng trong nửa cuối năm 2022.
Biến động của thị trường đang đẩy nhiều F0 đuối vốn vào thế khó, nhưng cũng mở ra cơ hội “bắt đáy” cho những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, có dòng vốn mạnh cùng mục tiêu đi đường dài.
Bất động sản dành cho bạn