Thị trường nhà ở xã hội trong khoảng hai tháng gần đây đang đón nhận hàng loạt dự án mới. Nguồn cung của phân khúc này tiếp tục được bổ sung tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Theo thông tin tìm hiểu từ Batdongsan.com.vn, trái ngược với thực trạng khan hiếm nguồn cung chung cư giá rẻ tại Hà Nội, TP.HCM, các thị trường tỉnh liên tiếp đón nhận nguồn cung nhà ở xã hội mới.
Mới đây nhất, Liên danh Công ty Cổ phần Đông Á Golden Square và Công ty Cổ phần Foodinco Quy Nhơn đã động thổ dự án nhà ở xã hội Golden Square Lào Cai. Dự án có vị trí thuộc khu dân cư giáp đường B6 kéo dài, phường Bắc Lệnh, TP.Lào Cai do liên danh Công ty Cổ phần Đông Á Golden Square và Công ty Cổ phần Foodinco Quy Nhơn đầu tư thực hiện. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 2.085 tỷ đồng. Golden Square Lào Cai được hình thành trên diện tích đất 42.317m2 với 4 khối nhà ở xã hội cao tối đa 25 tầng, cung cấp khoảng 2.192 căn hộ, sức chứa khoảng 5.589 người.
Tại Hải Phòng, 806 căn nhà ở xã hội thuộc dự án Tổng kho 3 Lạc Viên ở quận Ngô Quyền (Hải Phòng) mới được thông báo đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Dự án nhà ở xã hội Tổng kho 3 Lạc Viên do Công ty cổ phần Thái – Holding làm chủ đầu tư có tổng vốn gần 4.900 tỷ đồng. Quy mô xây dựng dự án gồm 10 khối nhà chung cư cao 15 tầng gồm 4.456 căn hộ nhà ở xã hội và 163 căn hộ thương mại cao 7 tầng, cùng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ với các khu dân cư lân cận.
Cũng trong tháng 5, dự án nhà ở xã hội Nhơn Phú 2 tại phường Nhơn Phú, tỉnh Bình Định do Công ty TNHH Solrise Nhơn Phú làm chủ đầu tư cũng mở bán đợt 1 với 209 căn hộ. Dự án được xây trên khu đất rộng hơn 3,8ha, gồm 4 toà nhà độc lập, cao từ 9-12 tầng với tổng số căn hộ khoảng 714 căn, quy mô dân số 2.234 người, tổng chi phí thực hiện gần 730 tỷ đồng. Dự án có giá bán gần 12 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 420-816 triệu đồng/căn.
Đầu tháng 4, tại Hưng Yên, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Lạc Hồng Phúc mở bán 44 căn nhà ở xã hội thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại Lạc Hồng Phúc. Được biết, vào tháng 1 và tháng 3, Công ty Lạc Hồng Phúc đã thông báo bán tổng cộng 65 căn nhà ở xã hội tại dự án với diện tích từ 47 – 60 m2. Tổng giá thành các căn hộ tại đây dao động khoảng từ 600 – 800 triệu đồng/căn, tương đương mỗi m2 là 11,5-13,5 triệu đồng/m2.
Nhà ở xã hội đang được tạo các hành lang chính sách và pháp lý để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Mới đây nhất, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Với Chỉ thị 34/CT-TW, cả nước phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị. Bên cạnh đó là phát triển đa dạng loại hình nhà ở xã hội và cơ chế, chính sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà lưu trú, ký túc xá cho công nhân, người thu nhập thấp khu vực đô thị, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang với giá phù hợp với khả năng chi trả của từng đối tượng thụ hưởng; tăng tỉ lệ nhà ở xã hội cho thuê…
Vừa qua, ngày 27/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về dự thảo Nghị định quản lý và phát triển nhà ở xã hội. Nghị định này nhằm hướng dẫn chi tiết 18 nội dung trong Luật Nhà ở năm 2023 liên quan đến chính sách nhà ở xã hội. Nghị định kế thừa các quy định hiện hành vẫn đang thực hiện hiệu quả, đồng thời thể chế hóa những chủ trương, chính sách mới, đột phá nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trong thời gian qua.
Cũng trong cuộc họp trực tuyến, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước… nghiên cứu cơ chế huy động, sử dụng nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội một cách thống nhất, tập trung. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, cùng với nguồn tiền đóng góp để phát triển nhà ở xã hội từ các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại và các nguồn xã hội khác, không để gánh nặng cho các ngân hàng thương mại khi tham gia các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, Nghị định cần có thêm các quy định mang tính chính sách có tính dài hơi về quy hoạch, bố trí quỹ đất trong phát triển đô thị, nông thôn, dành ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn khác cho các dự án nhà ở xã hội. Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, rà soát, cắt giảm tối đa trình tự, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội; đơn giản hóa tiêu chí xác định đối tượng cũng như điều kiện, thủ tục thuê, mua nhà ở xã hội.
Bất động sản dành cho bạn