Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành và lãi suất huy động tiết kiệm, lãi suất vay mua bất động sản vẫn chưa giảm đáng kể. Điều này tạo khó khăn cho người mua bất động sản và làm cho tình hình của họ vẫn khó khăn.
Mới đây nhất, nhằm hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng nhà nước tiếp tục giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 25/5. Kể từ đầu năm 2023 thì đây là lần giảm thứ 3. Theo đó, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất tối đa được áp dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống còn 5%/năm. Ngoài ra, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm. Đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, lãi suất tối đa áp dụng được giữ nguyên ở mức 0,5%/năm. Đối với tiền gửi bằng Việt Nam đồng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm.
Hai lần ngân hàng giảm lãi suất trước đó diễn ra trong tháng 3 và tháng 4. Ở hai lần điều chỉnh này, các mức lãi suất giảm là 0,5-1%/năm. Những đợt giảm liên tiếp này đã kéo mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm sụt giảm thời gian qua. Thế nhưng, trái ngược với đà giảm của lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay vẫn không có những chuyển biến đáng kể một cách đồng bộ và đồng loạt với động thái giảm này.
Anh Lê Quang Hoà, hiện đang sinh sống tại một chung cư Văn Quán (Hà Đông) vay ngân hàng khoảng 1,5 tỷ đồng với lãi suất 13%/năm trong 5 năm. Hiện mỗi tháng anh đang phải trả cả gốc và lãi gần 40 triệu đồng/tháng. Trước đó, lãi suất anh trả ngân hàng là dưới 10%/tháng, nhưng kể từ thời điểm hết chương trình hỗ trợ lãi suất ngân hàng, anh đã phải chịu mức lãi suất 13%. Anh Hoà cho biết, việc lãi suất tăng đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống gia đình anh khi số tiền phải trả ngân hàng hàng tháng tăng thêm, trong khi kinh tế suy thoái, thu nhập của hai vợ chồng giảm sút khiến cả hai phải thắt chặt chi tiêu hàng tháng. Từ đầu năm đến nay, dù nhiều lần nghe được thông tin ngân hàng giảm lãi suất nhưng trên thực tế, anh Hoà chỉ thấy lãi suất huy động tiết kiệm giảm, còn lãi suất vay mua bất động sản không hề thay đổi.
Cùng cảnh ngộ trên với anh Hoà, cách đây 3 năm, chị Nguyễn Thị Yến Trinh vay hơn 1 tỷ đồng mua căn hộ Long Biên (Hà Nội) với lãi suất năm đầu tiên khoảng 8%/năm. Khi chương trình lãi suất năm đầu kết thúc, chị Trinh chịu lãi suất thả nổi là khoảng 10%. Tổng cả gốc và lãi hàng tháng gia đình chị phải trả ngân hàng là gần 20 triệu đồng. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, khi lãi suất ngân hàng tăng lên14,35%/năm khiến tổng số tiền vợ chồng chị phải trả hàng tháng là hơn 25 triệu đồng. ố tiền này chiếm đến một nửa tổng thu nhập khiến cuộc sống của 2 vợ chồng và 2 con nhỏ vô cùng khó khăn.
Dù Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất nhưng theo chị Trinh, cách đây tầm hơn tuần, chị mới chính thức nhận được thông báo giảm lãi suất với mức giảm 0,3%. Một mức giảm mà chị Trinh đánh giá là có giảm cũng như không.
Trên thực tế, lãi suất cho vay vẫn cao là một trong những nguyên nhân chính khiến thanh khoản của thị trường bất động sản chậm lại. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lãi suất vay cao khiến người mua ở thực và người đầu tư đều chần chừ không muốn xuống tiền. Giám đốc một phòng giao dịch ngân hàng thuộc quận Cầu Giấy cho biết, dù lãi suất huy động đã giảm 1-2,5%/năm nhưng lãi suất cho vay chưa thể giảm nhanh vì một lượng vốn huy động giá cao chưa được sử dụng hết. Vị giám đốc này cũng cho hay, việc lãi vay giảm sẽ diễn ra nhưng cần thời gian, vì vậy người vay mua bất động sản nên kiên trì chờ đợi những diễn biến tích cực sắp tới.
Bất động sản dành cho bạn