Báo cáo về thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam của VARS cho biết doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn và cần có giải pháp để hồi phục. Nếu không khắc phục kịp thời, các doanh nghiệp này có thể đối mặt với tình trạng khó khăn nghiêm trọng.
Số liệu cho thấy, 5 tháng đầu năm nay có 554 doanh nghiệp bất động sản đã giải thể, tăng 30.4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61.4%, chỉ có 1,744 doanh nghiệp.
Trong quý 1/2023, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 6.46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38.6% so với cùng kỳ năm 2022.
Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án.
Nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Một số doanh nghiệp lớn tiếp tục cắt giảm nhân sự trong quý 1/2023 như Đất Xanh (DXG) cắt giảm thêm 1,384 người so với đầu năm; Đất Xanh Services (DXS) giảm 1,245 người so với đầu năm; không cắt giảm nhân sự trong năm 2022 nhưng đến quý 1/2023, Vinhomes (VHM) cũng đã giảm 1,527 nhân sự,...
Không chỉ tinh giản tối đa bộ máy, nhiều doanh nghiệp thậm chí dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng dự án dở dang; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO,...
Với việc đóng vai trò là cầu nối giữa các chủ đầu tư với khách hàng. Nguồn thu của các doanh nghiệp chủ kinh doanh dịch vụ BĐS chủ yếu đến từ việc phân phối các sản phẩm BĐS. Do đó, khi thị trường không có sản phẩm, thiếu hụt khách hàng thì đương nhiên các doanh nghiệp này bắt buộc bị đặt vào thế khó.
VARS nhận định, tình trạng khó khăn đến từ hai chiều, giống như một chốt chặn đầu và một chốt chặn sau, khiến cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này không có cơ hội “trở mình”, bị dồn vào thế “hoang mang, vô định, khó có thể vùng vẫy”.
Kết quả khảo sát của VARS với các hội viên là các sàn giao dịch BĐS cho thấy, hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu quý 1/2023 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có tới 39% doanh nghiệp có doanh thu quý 1/2023 sụt giảm từ 20 - 50% và 61% tụt giảm trên 50% so với cùng kỳ. Thậm chí một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70 -80%.
Về quy mô lao động, trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản phải giảm quy mô lao động trên 20% so với quý 2/2022.
Một số doanh nghiệp có quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với hơn 90% người lao động, gần như ngừng hoạt động kinh doanh, chỉ giữ lại những vị trí quản trị trọng yếu. Một số khác dừng ký hợp đồng tạm thời trong 3 - 6 tháng, cho thôi việc hoặc chuyển sang chế độ không lương - cộng tác viên, cắt giảm lương tùy cấp bậc,... Do không còn nguồn lực cầm cự.
Riêng trong 5 tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp môi giới đã tiếp tục sa thải thêm 10 - 20% nhân sự so với cuối năm 2022.
Về quỹ lương, có tới hơn 40% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản trong khảo sát cho biết họ buộc phải cắt giảm lương nhân sự từ 10 - 20%. Và hơn 44% số doanh nghiệp cho biết họ phải thực hiện biện pháp cắt giảm quy mô nhân sự, để không phải cắt giảm lương.
VARS cho rằng nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý 3/2023, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.
Với việc sức khỏe các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ BĐS sụt giảm mạnh, tình hình của các môi giới cũng không khả quan hơn là mấy. Theo khảo sát của VARS, số lượng môi giới BĐS hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30 - 40% so với thời điểm cuối năm 2022. Hiện tượng này đã diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Có thể phân nguyên nhân nghỉ việc của các môi giới thành 2 dạng, bao gồm chủ động (do thu nhập không đủ sống), và bị động (do doanh nghiệp sa thải, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp phá sản...). Lượng môi giới BĐS bỏ nghề phần lớn thuộc các đối tượng “lính mới” và “tay ngang” chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường.
Do đó, VARS nhận định để bám trụ lại nghề, các môi giới hiện tại phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại như đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm,… Một điểm sáng được VARS ghi nhận là trên 95% các môi giới còn hoạt động cho biết vẫn sẽ tiếp tục gắn bó với nghề cho dù thị trường có khó khăn.
Bất động sản dành cho bạn