Luật Đất đai 2024 cùng với Nghị định số 102/2024/NĐ-CP đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng, chính thức công nhận hoạt động lấn biển như một yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đồng thời góp phần giúp Việt Nam tiến tới hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc biển vào năm 2045 theo định hướng của Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII.
Luật Đất đai 2024, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, đã đưa ra những quy định cởi mở hơn đối với hoạt động lấn biển. Cụ thể, Điều 190 khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng vốn, kỹ thuật và công nghệ để thực hiện hoạt động này, đồng thời Nhà nước cũng có các chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Luật cũng đặt ra 5 nguyên tắc bắt buộc phải tuân thủ khi thực hiện lấn biển, bao gồm: bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển; đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường để đảm bảo phát triển bền vững; phù hợp với các quy hoạch tỉnh, huyện và đô thị; khai thác hiệu quả tài nguyên biển, bảo đảm quyền lợi của cộng đồng và nhà đầu tư; và cuối cùng, hoạt động lấn biển phải được thực hiện dưới dạng dự án đầu tư theo đúng quy định pháp luật.
Để nhanh chóng triển khai luật vào thực tiễn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP, cũng có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, nhằm quy định chi tiết một số điều liên quan đến hoạt động lấn biển, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lĩnh vực này.
Trước đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 đã nêu rõ vai trò chiến lược của kinh tế biển trong phát triển quốc gia, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển vào năm 2045. Theo GS TS Đỗ Công Thung, hệ thống luật pháp mới là bước tiến lớn giúp Việt Nam tận dụng hiệu quả không gian biển, không chỉ để phát triển kinh tế mà còn để bảo vệ tài nguyên môi trường. Việc học hỏi từ các quốc gia có kinh nghiệm trong hoạt động lấn biển cũng sẽ giúp Việt Nam xây dựng chính sách và giải pháp phù hợp, khai thác bền vững tiềm năng biển đảo.
Việc luật hóa các quy định về lấn biển không chỉ tạo điều kiện mở rộng không gian sống và phát triển kinh tế, mà còn giúp Việt Nam khai thác tối đa thế mạnh về biển trong các lĩnh vực như hàng hải, cảng biển, du lịch, và dịch vụ.
Nhằm triển khai quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng phê duyệt cuối năm ngoái, Bến Tre đã công bố kế hoạch phát triển khu lấn biển rộng 50.000 ha, kéo dài 65 km dọc theo bờ biển. Dự án này được xác định là khu vực động lực phát triển kinh tế của tỉnh, với việc đầu tư cảng biển đón tàu công suất lớn và ưu tiên các ngành kinh tế trọng điểm như thủy sản, năng lượng, giao thông vận tải, logistics, cùng với thương mại dịch vụ và du lịch.
Trong những năm qua, lấn biển đã trở thành hoạt động kinh tế phổ biến tại các tỉnh ven biển Việt Nam. Từ dự án đầu tiên tại Rạch Giá, Kiên Giang vào năm 1999, đến nay cả nước có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành, bao gồm những dự án quy mô lớn tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, và Kiên Giang.
Theo các chuyên gia, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động lấn biển là rất cần thiết. Nhiều quốc gia trên thế giới đã sớm ban hành các quy định quản lý lấn biển. Chẳng hạn, Hà Lan có Luật Đê, đập và lấn biển từ năm 1904; Australia có Luật Khai hoang từ năm 1930; Nhật Bản có Luật Lấn biển từ năm 1964; Singapore có Luật Đường bờ quy định việc lấn biển và sử dụng đất ngập nước. Một số quốc gia khác như Nam Phi, Indonesia, Trung Quốc cũng đã đưa quy định về lấn biển vào các luật khác liên quan đến quản lý vùng bờ, bảo vệ môi trường và quản lý không gian biển.
Trên thế giới, lấn biển đã thúc đẩy phát triển kinh tế mạnh mẽ trong nhiều thế kỷ qua. Trung Quốc là một trong những nước lấn biển lớn nhất, với diện tích lấn biển khoảng 13.000 km² từ 1949 đến những năm 1990. Singapore đã mở rộng diện tích thêm 24% từ thập niên 1960, trong khi UAE nổi tiếng với những cụm đảo nhân tạo xa hoa, thu hút giới siêu giàu và giúp phát triển kinh tế.
Những quốc gia này đều xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để quản lý hoạt động lấn biển, đảm bảo quy hoạch, kỹ thuật, và bảo vệ môi trường. Đây là những kinh nghiệm quý giá mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến lấn biển.
Bất động sản dành cho bạn