Cùng với các lĩnh vực khác, thị trường bất động sản trong tỉnh Long An bắt đầu sôi động trở lại sau một thời gian khá dài “đóng băng”.
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu cho biết: “Sự phát triển của thị trường đất nền Long An thời gian qua là một hiện tượng thú vị nhưng dễ hiểu. Sự bùng nổ về hạ tầng và nguồn cầu đang dần biến Long An trở thành “ngôi sao mới”. Hàng loạt doanh nghiệp non trẻ đã bứt phá ngoạn mục nhờ bắt mạch được “khẩu vị” của nguồn trong tỉnh và TP.HCM”
Điều này xuất phát từ hàng loạt dự án hạ tầng đầu tư bài bản trong thời gian qua. Có thể kể đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương mà Long An là điểm đầu. Cao tốc Bến Lức – Long Thành đang được đầu tư xây dựng sẽ kết nối trực tiếp tỉnh này với Đông Nam Bộ, xóa khoảng cách về địa lý giữa hai khu vực kinh tế sôi động.
Cùng có vị trí tiếp giáp với TP.HCM nhưng Long An lại đang chậm nhịp hơn rất nhiều so với Đồng Nai, Bình Dương. Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến Long An chưa thể bật dậy mạnh mẽ là cơ sở hạ tầng giao thông kém phát triển.
Để xoá đi “điểm nghẽn” này, tỉnh Long An đã và đang tập trung đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là những tuyến kết nối với TP.HCM.
Trong kế hoạch từ nay đến năm 2025, tỉnh Long An đã đề xuất đầu tư 9 dự án kết nối giao thông với TP.HCM có tổng mức đầu tư hơn 23.000 tỉ đồng.
So với Bình Dương và Đồng Nai thì thị trường bất động sản tại Long An hiện nay vẫn đang xem là “vùng trũng”. Tuy nhiên, quỹ đất rộng lớn, giá đất thấp và cơ sở hạ tầng giao thông đang được chú trọng đầu tư khiến Long An trở thành mảnh đất “màu mỡ” không thể bỏ qua đối với doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư bất động sản cá nhân.
Hiện nay, bên cạnh những doanh nghiệp như Trần Anh, Cát Tường Đức Hoà, Nam Long…thì còn có nhiều “ông lớn” bất động sản khác đang âm thầm gom quỹ đất lớn ở Long An để phát triển dự án.
Với những nhà đầu tư cá nhân, Long An là nơi thích hợp để đầu tư đón đầu, thậm chí thị trường này cũng mở ra cơ hội cho những người có số vốn khiêm tốn.
Anh Duy Tín, một nhà đầu tư phân tích, giá đất thổ cư ở những khu vực giáp ranh với TP.HCM như Đức Hoà hiện chỉ từ 7 – 15 triệu đồng/m2 tuỳ vào vị trí, loại hình đất trong dự án hay ngoài dân cư.
Nếu so với những khu vực như Thuận An, Dĩ An (Bình Dương) hay Biên Hoà, Nhơn Trạch (Đồng Nai) thì giá đất Long An còn quá rẻ.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, Long An nằm ở vị trí như chiếc cầu nối giữa TP.HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với dân số 10 triệu người, cũng là trung tâm cung cấp lương thực lớn nhất của cả nước nên tiềm năng là vô cùng lớn.
Tiềm năng này sẽ thực sự bùng nổ khi các dự án hạ tầng giao thông của khu vực được xây dựng. Ngoài hai tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương và Bến Lức – Long Thành trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều tuyến cao tốc khác sẽ được xây dựng để tăng kết nối toàn khu vực miền Tây.
Ông Hiển cho rằng, việc các nhà đầu tư bất động sản gom đất ở Long An đón đầu hạ tầng là tất yếu. Tuy nhiên, chuyên gia này khuyến cáo những dự án hạ tầng giao thông dù được phê duyệt hay đã khởi công thì cũng cần một lộ trình chứ không phải một sớm một chiều. Do đó, để đạt hiệu quả tối đa trong đầu tư thì người mua cần xác định tầm nhìn trung và dài hạn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay không nên lướt sóng hay đầu tư bằng đòn bẩy tài chính quá lớn.
Trong khi đó, anh Tín lưu ý người mua bất động sản ở Long An cần đặc biệt chú ý đến thông tin quy hoạch, pháp lý của dự án, của lô đất trước khi xuống tiền.
“Trong thời gian qua rất nhiều dự án đất nền ở Long An được chào bán rầm rộ nhưng sau đó lại bị chính quyền phát hiện chưa đầy đủ pháp lý, thậm chí là dự án ma khiến cho nhiều người mất tiền tỉ, kiện tụng kéo dài rất mệt mỏi”, anh Tín chia sẻ.
Bất động sản dành cho bạn