Đường sắt đầu tiên của Việt Nam được hoạt động vào năm 1885 là đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho và tuyến đường này đã dừng lại vào năm 1958. Và cho đến nay, tuyến đường sắt đã vắng bóng khỏi ĐBSCL - vùng kinh tế nông nghiệp, thủy sản lớn nhất nước.
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TPHCM xác định xây dựng đường sắt TPHCM - Cần Thơ đi qua TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ là một trong những dự án trọng điểm quốc gia trong quá trình phát triển của TPHCM.
Trước đó, Quyết định 1769/QĐ-TTg ngày 19-10-2021 phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt cả nước, Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL, đều xác định mục tiêu đến năm 2030, đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ chiều dài khoảng 174km, khổ đường 1.435mm (tàu tốc độ cao).
10 năm trước, tại Quyết định 2563/QĐ-BGTVT ngày 27-8-2013 của Bộ Giao thông-Vận tải, đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt TPHCM - Cần Thơ, xác định căn cứ pháp lý, dự kiến các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vay ODA, vốn của doanh nghiệp và tư nhân, mở ra nhiều khả năng huy động các vốn khác nhau cho công trình này khi triển khai trong thực tế.
Dự án được nhiều đối tác nước ngoài từ Mỹ, Anh, Canada có khả năng cấp vốn quan tâm. Chính quyền TPHCM và các địa phương trong vùng đã tích cực góp ý, khẳng định sự cần thiết của tuyến đường huyết mạch này. Nhưng cho đến nay, vì nhiều lý do, giấc mơ tìm lại những chuyến xe lửa đã từng hiện diện ở miền Tây trăm năm trước vẫn chưa thành hiện thực.
Tại buổi tiếp xúc cử tri đơn vị TP Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã chỉ đạo việc nghiên cứu để sớm đầu tư tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ.
Phát biểu tại lễ ra quân triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - TPHCM đầu năm mới 2023, người đứng đầu Chính phủ cũng đã giao các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trình Hội đồng thẩm định nhà nước và các cấp để sớm triển khai theo quy hoạch, trong đó nghiên cứu triển khai trước đoạn TPHCM - Cần Thơ.
Không thể phủ nhận, nhiều công trình trọng điểm, huyết mạch giao thông ở ĐBSCL đã được đầu tư. Hệ thống đường bộ, đường thủy, hàng hải và hàng không trong vùng, các trục dọc, đường ngang, cầu vượt sông lớn như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Vàm Cống, Cao Lãnh, Đầm Cùng, Năm Căn… đã tạo ra mạng lưới giao thông tốt hơn. Nhiều công trình trọng điểm gần đây được khởi công, cho chủ trương đầu tư hứa hẹn tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng và cả nước, mở đường cho vùng này phát triển nhanh hơn.
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, trước yêu cầu phát triển giao thông vùng này vẫn đang vướng nhiều điểm nghẽn gây ách tắc kết nối liên vùng TPHCM - ĐBSCL. Hàng hóa của các tỉnh miền Tây Nam bộ lên TPHCM cũng đang quá tải trên các tuyến đường bộ lẫn đường thủy, trong khi chưa có nhiều tuyến bay kết nối TPHCM với các tỉnh đồng bằng và từ vùng này đi nơi khác.
Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ được triển khai chạy qua 5 tỉnh, thành sẽ là cầu nối phát triển liên vùng ĐBSCL - TPHCM và miền Đông Nam bộ. Việc xuất hiện tuyến đường sắt mới sẽ mở đường cho phát triển giao thông liên vùng hoàn chỉnh với đầy đủ các phương thức giao thông. Nó là phần nối dài về miền Tây của đường sắt quốc gia Bắc - Nam.
Hiện nay đoạn Nha Trang - TPHCM đang được nâng cấp nằm trong kế hoạch tổng thể của Chính phủ, được bố trí khoảng 3.100 tỷ đồng trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn từ Hà Nội đến TPHCM. Nếu đường sắt TPHCM - Cần Thơ được xây dựng cũng là tiền đề quan trọng để nối tiếp đầu tư tuyến đường sắt Cần Thơ - Cà Mau theo quy hoạch.
Vẫn còn một số ý kiến về đầu tư tuyến đường sắt này, trong đó có góp ý điều chỉnh hướng tuyến, nguồn vốn đầu tư, cũng như hiệu quả tài chính của dự án, cần được lắng nghe để hoàn thiện. Không sai khi cho rằng giao thông thủy vẫn là thế mạnh của ĐBSCL. Nhưng việc phát triển đường sắt không hề làm mất đi thế mạnh này, mà còn góp phần kết nối tốt hơn các phương thức giao thông thủy, bộ và hàng không, tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh cho vùng ĐBSCL.
Nhiều ý kiến cho rằng, không chỉ giải bài toán giao thông, dự án này chắc chắn còn thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch mạnh mẽ và có ý nghĩa quan trọng bảo vệ môi trường. Các địa phương trên tuyến đường sắt có thể khai thác quỹ đất ở các ga để có nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Mở ra không gian phát triển các đô thị, khu dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị theo tiêu chuẩn quốc tế; thúc đẩy phát triển liên vùng ĐBSCL và TPHCM, miền Đông Nam bộ chính là động lực mạnh mẽ để đưa đường sắt trở lại với người dân đồng bằng.
Vẫn biết cả nước đang tập trung triển khai đồng loạt các dự án giao thông trọng điểm, sử dụng nguồn vốn đầu tư lớn trong thời gian ngắn, diễn ra trên địa bàn rộng, liên quan giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng lớn đến sinh kế, đời sống người dân. Vật giá, vật tư, xăng dầu tăng đột biến, có thể đẩy tổng mức đầu tư dự kiến được lập trước đó lên cao. Do vậy, việc quyết định đầu tư đường sắt TPHCM - Cần Thơ càng trở nên thách thức.
Nhưng giao thông chính là huyệt đạo phát triển của miền Tây. Đầu vào qua đây, từ thu hút đầu tư, phát triển giao thương, văn hóa, du lịch đến mọi thứ, mà đầu ra cũng là đây. Phát triển hạ tầng giao thông chính là mệnh lệnh phát triển vùng. Bởi lẽ, phát triển giao thông ĐBSCL thông suốt là “món nợ” dân đồng bằng chưa được trả xong.
Hơn cả một giấc mơ của người đồng bằng, câu hỏi bao giờ miền Tây có đường sắt như đã từng có và hơn hẳn trước kia, cần sớm có lời đáp. Lời giải cho đường sắt TPHCM - Cần Thơ còn ở phía trước, nhưng nó sẽ không đến đích nếu không có phát lệnh cho điểm xuất phát.
Bất động sản dành cho bạn