Trong tháng 5 vừa qua, dòng vốn FDI đã ghi nhận mức điều chỉnh tăng cao nhất kể từ đầu năm. Điều này phản ánh vị thế chính trị và kinh tế của Việt Nam tiếp tục tăng lên, ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lượng vốn đầu tư điều chỉnh tăng thêm trong tháng 5 là 800 triệu USD, gấp gần 3 lần tháng trước. Bên cạnh đó, vốn đăng ký cấp mới cũng ghi nhận tín hiệu tích cực với 1.227 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 27,5% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD, tăng tới 50,8% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong 5 tháng đầu năm vốn thực hiện các dự án FDI tiếp tục duy trì tín hiệu tích cực với đà tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương khoảng 8,25 tỷ USD). Có thể thấy, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn bất chấp những khó khăn hiện hữu.
Sự sôi động của dòng vốn đầu tư FDI được thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp (KCN). Tỷ lệ lấp đầy các KCN trên cả nước hiện nay khoảng 80%, riêng tại các tỉnh và thành phố khu vực phía Nam đạt trên 85% tổng diện tích.
Như tại tỉnh Bình Dương hiện có 31 KCN với tổng diện tích 12.721ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền Nam. Trong đó, có 29 KCN đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp kín đạt trên 95%. Với tỷ lệ lấp đầy này, Bình Dương là địa phương có tỷ lệ lấp đầy cao nhất cả nước.
Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết, so với cả nước, Bình Dương hiện chiếm 9% về số lượng, 13% về diện tích KCN và có diện tích KCN lớn nhất Việt Nam.
Theo dự báo của các chuyên gia, nhu cầu gia tăng về dòng vốn FDI sẽ còn tiếp diễn khi Việt Nam vẫn là trung tâm trong quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất của các tập đoàn. Ngoài vị trí chiến lược là cửa ngõ giao thương của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam còn được xem là một lựa chọn trong chiến lược dịch chuyển dịch sản xuất và đa dạng hoá chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn.
Những dự báo về dòng vốn FDI tiếp tục rót vào Việt Nam trong tương lai được xem là động lực để bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển.Không chỉ ở các trung tâm công nghiệp lớn như Bình Dương hay Bắc Ninh, ngay cả bất động sản công nghiệp tại các thị trường cấp 2 như Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Bình Phước cũng được ghi nhận sẽ tiếp tục duy trì đà tăng nhờ sự phát triển hạ tầng. Những động lực đó giúp các chuyên gia kỳ vọng giá cho thuê phân khúc này sẽ có cơ hội cải thiện hơn nữa.
Ngoài ra, việc Chính phủ tăng tốc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm cũng là điểm cộng cho bất động sản công nghiệp. Mặt khác, nguồn cung bất động sản khu công nghiệp đang chứng kiến sự lớn mạnh ở cả miền Bắc và miền Nam. Nhu cầu bất động sản công nghiệp hiện rất lớn…
Thêm nữa, quy hoạch nhiều tỉnh, thành giai đoạn 2021 - 2030 được thông qua sẽ giải quyết phần nào vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý cho các khu công nghiệp. Những yếu tố này sẽ giúp bất động sản khu công nghiệp năm 2024 tiếp tục duy trì vị thế và tăng trưởng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, thị trường này trong giai đoạn 2025 trở đi sẽ có nhiều sự cạnh tranh hơn trong việc thu hút khách thuê.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành hiện đang lấn sân sang mảng bất động sản công nghiệp nhằm đón đầu cơ hội. Điển hình như Tập đoàn Hà Đô cũng đã tham gia phát triển bất động sản KCN tại Ninh Thuận. Đầu 2024, doanh nghiệp này đã đề xuất đầu tư hai cụm công nghiệp 100 ha gần KCN Cà Ná. Như lãnh đạo Tập đoàn Hà Đô từng chia sẻ, bất động sản công nghiệp sẽ là lĩnh vực phát triển trọng điểm của công ty trong giai đoạn 2025 - 2030.
Hay như Tập đoàn Hòa Phát đã ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng. Các dự án này gồm: Cảng Bãi Gốc; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Tâm; và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại KCN Hòa Tâm.
Với sự tham gia ngày càng nhiều của các đơn vị phát triển KCN sẽ góp phần giúp bất động sản công nghiệp thêm sôi động hơn, song cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Đơn cử, trong quý 1/2024, lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp giảm mạnh, cũng là cảnh báo rằng phân khúc này dù có nhiều cơ hội nhưng cũng không phải là “miếng bánh” dễ ăn.
Bất động sản dành cho bạn