Kinh doanh bất động sản tiếp tục được đánh giá là lĩnh vực an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các “đại gia” ngoại.
Nửa đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận hơn 10 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài. Bất động sản tiếp tục là lĩnh vực hấp dẫn khi chiếm 26%.
Cushman & Wakefield vừa công bố kết quả khảo sát với hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đã ưu tiên chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong nhóm các thị trường mới nổi.
Việt Nam chiếm gần 80% số phiếu bầu cho 2 vị trí điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và nhì trong nhóm các thị trường mới nổi, theo sau là Ấn Độ với 75%.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield, nhận định Việt Nam đang được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, có độ mở lớn và duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.
Để gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Chẳng hạn như đường cao tốc và cảng biển quan trọng đối với nền kinh tế. Hệ thống cơ sở hạ tầng đang được cải thiện góp phần vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và sự phát triển đáng kể trong lĩnh vực logistics - hậu cần ngành công nghiệp.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã có kế hoạch hoàn thành đường cao tốc Bắc Nam, giai đoạn đầu tiên của sân bay quốc tế Long Thành, đường ven biển Quảng Ninh - Kiên Giang, các tuyến metro ở cả miền Bắc và miền Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ghi nhận đà tăng trưởng liên tục trong 6 tháng đầu năm 2022. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Đặc biệt, kinh doanh bất động sản đứng thứ hai trong thu hút FDI, với vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Phân tích về những yếu tố hút các nhà đầu tư ngoại, ông Đỗ Duy Thành, Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư (Savills Hà Nội) cho hay, số lượng khách hàng tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng, đi kèm với quá trình đô thị hóa nhanh tại các thành phố lớn sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu về nhà ở tại Việt Nam.
Cùng với đó, dù bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, nhưng bất động sản nghỉ dưỡng cũng là phân khúc mà các nhà đầu tư thông minh có thể tìm kiếm cơ hội để gia nhập thị trường, đặc biệt là ở Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết… Ngoài ra, sự xuất hiện của phân khúc bất động sản chăm sóc sức khỏe - loại hình còn rất mới mẻ tại Việt Nam, cũng sẽ là một cơ hội lớn cho những nhà đầu tư có tầm nhìn và khả năng nắm bắt cơ hội.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang dành sự quan tâm đặc biệt tới bất động sản nhà ở và văn phòng. Xu hướng này đến từ nhu cầu của khách hàng ngày một cao, trong khi mức giá vẫn hợp lý khi so sánh Hà Nội và TP.HCM với các thị trường lân cận như Singapore, Thượng Hải, Thâm Quyến… Đặc biệt, không thể không kể đến sự bứt phá của bất động sản công nghiệp, hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng của ngành bất động sản thời gian sắp tới.
Việt Nam ghi nhận một kỷ lục mới với hơn 10 tỉ USD vốn từ nhà đầu tư nước ngoài giải ngân vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua.
Trong đó, bất động sản là phân khúc đứng thứ hai, chiếm 26% tổng vốn với các nhà đầu tư hàng đầu đến từ Singapore, Nhật Bản, Đan Mạch, Trung Quốc và Hàn Quốc.
“Các loại tài sản công nghiệp và hậu cần, khu đất phát triển, khách sạn và văn phòng đang là những “món hàng” được săn lùng bởi các nhà đầu tư,” bà Trang cho biết.
Theo một báo cáo gần đây của Ernst & Young (EY), hoạt động đầu tư từ quỹ đầu tư tư nhân (PE) và quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm, bất chấp những bất ổn trên thị trường vốn và thị trường nợ.
Theo tính toán của EY, tổng giá trị thương vụ giao dịch nửa đầu năm 2022 gần bằng cả năm 2021 (4,97 tỉ USD). Tuy nhiên, hoạt động M&A có thể sẽ giảm nhiệt trong 6 tháng cuối năm 2022 do các nhà đầu tư thận trọng hơn trước các xu hướng vĩ mô, có tác động đến nền kinh tế Việt Nam.
Dù có nhiều lợi thế, Việt Nam khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực khi vốn đầu tư từ các nước phát triển vào các thị trường mới nổi suy giảm, căng thẳng địa chính trị và lạm phát cao. Đây là những yếu tố làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam
Theo Cushman & Wakefield, khoảng hơn 50% các nhà đầu tư nhận xét tỉ lệ rủi ro/lợi tức tốt nhất hiện nay vẫn là các cơ hội ở thị trường cấp 1. Trong khi các các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam đứng thứ hai với 20% phiếu bầu.
Kết quả khảo sát của đơn vị này cho thấy với giả định có một tỉ USD, 25% công ty được khảo sát sẽ đổ vốn vào logistics, theo sau đó là các phân khúc văn phòng và phi truyền thống như trung tâm dữ liệu (data center) và nhà ở đa gia đình.
Mặc dù lợi suất giảm, hơn 35% nhà đầu tư tin rằng lĩnh vực logistics về cơ bản vẫn chưa đủ nguồn cung đáp ứng thị trường, với 30% tiếp tục kỳ vọng tăng trưởng tích cực dù với tốc độ chậm hơn trong lĩnh vực này.
Logistics cũng là phân khúc được đầu tư nhiều nhất ở Hong Kong trong nửa đầu năm 2022. Phân khúc này cũng chiếm 25% tổng khối lượng đầu tư ở Trung Quốc trong 2 quý đầu năm, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ.
Bất động sản dành cho bạn