Lượng kiều hối đổ về Việt Nam đã liên tục tăng mạnh trong thời gian gần đây, với một tỷ lệ đáng kể được đầu tư vào bất động sản. Dự báo dòng chảy này sẽ còn mạnh mẽ hơn khi các luật mới liên quan đến bất động sản chính thức có hiệu lực.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, xung đột địa chính trị phức tạp, nhưng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam vẫn liên tục tăng và đạt mức kỷ lục mới.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối gửi về nước tính từ năm 1993 (năm đầu tiên thống kê kiều hối) đến năm 2022 đạt trên 190 tỷ USD, gần bằng nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Trong đó, năm 2022 đạt hơn 18 tỷ USD và năm 2023 phá kỷ lục với gần 19 tỷ USD - nằm trong Top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới, theo báo cáo về Di trú và Phát triển do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện.
Cơ cấu theo địa phương, TP.HCM là địa bàn có số lượng kiều hối từ Việt kiều lớn nhất, chiếm khoảng 50% lượng kiều hối của cả nước (năm 2020 đạt 6,1 tỷ USD, năm 2021 đạt khoảng 6,5 tỷ USD, năm 2022 trên 8 tỷ USD, năm 2023 khoảng 9,5 tỷ USD).
Lượng kiều hối này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh trong năm 2024. Trong đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, quý I/2024, kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 2,87 tỷ USD, tăng 3,5% so với quý trước đó và tăng 35,4% so với cùng kỳ trước, là mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm gần đây.
“Nếu đặt quy mô kiều hối trong mối liên hệ so sánh với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào TP.HCM năm 2023 thì lượng kiều hối tăng gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% GRDP của Thành phố”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho hay.
Việc kiều hối tăng trưởng mạnh là do trong nhiều năm qua, Chính phủ đã có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào an tâm về quê đầu tư kinh doanh, cũng như chuyển tiền đầu tư hay hỗ trợ người thân, đó là thủ tục liên quan đến kiều bào, kiều hối đã thông thoáng; có những phản hồi, hỗ trợ cho kiều bào ở nước ngoài thông qua các cơ quan đại diện của Việt Nam ở các nước. Đặc biệt, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua hồi đầu năm nay đã cho phép Việt kiều được đầu tư, kinh doanh và sở hữu bất động sản như công dân trong nước. Điều này được đánh giá là điểm tích cực, không chỉ góp phần duy trì đà tăng của dòng kiều hối mà còn giúp thị trường hồi phục sau thời gian “ngủ Đông” kéo dài vừa qua.
Theo PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế - tài chính, tuy vốn đầu tư phát triển từ kiều hối không lớn, nhưng lại là một nguồn lực quan trọng mà Việt Nam đón nhận mỗi năm. Cùng với dòng vốn FDI, lượng kiều hối gửi về đã góp phần quan trọng, giúp tăng dòng ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ đó, có thêm nguồn lực để duy trì chính sách tỷ giá hối đoái ổn định, dự trữ ngoại hối…
Không chỉ giúp hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá, kiều hối còn là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế trong nước nói chung, cũng như thúc đẩy đà tăng trưởng của một số ngành nghề nói riêng. Trong đó, theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang “khát vốn”, dòng kiều hối được kỳ vọng sẽ phần nào vực dậy tình hình và làm sôi động thị trường bởi tỷ lệ không nhỏ lượng kiều hối chảy vào bất động sản.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, ngành địa ốc Việt Nam đi sau khá nhiều so với các thị trường châu Á khác, chỉ mới phát triển trong vòng 20 năm trở lại đây và đang trong giai đoạn “vàng”, cần trân trọng mọi cơ hội để đẩy nhanh phát triển. Trong đó, kiều hối là một nguồn lực đặc biệt quan trọng và không hề thua kém khi so với lượng vốn FDI giải ngân.
Theo thống kê do NHNN Chi nhánh TP.HCM thực hiện 5 năm trước, tỷ lệ kiều hối chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh chiếm khoảng 70 - 72%, vào bất động sản khoảng 22%, còn lại là hỗ trợ người thân. Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, hơn 50% kiều hối chuyển về TP.HCM chảy vào bất động sản, trực tiếp hay qua người nhà, còn lại là mục đích tiêu dùng, hỗ trợ người thân.
Còn theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), khoảng 15-20% số tiền từ Việt kiều gửi về nước đang được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Theo Savills Việt Nam, nếu quy đổi sang sản phẩm, lượng tiền này tương đương với giá trị của 10.000 căn hộ mỗi năm.
Savills cho rằng, trong quá khứ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn đầu tư trở lại trong nước phải thông qua người thân hoặc họ hàng, vì thế đã dẫn đến một số tranh chấp không đáng có. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư của các Việt kiều và giảm thiểu khả năng xảy ra rủi ro tranh chấp giữa các bên trong quá trình đầu tư. Trong khi đó đó, các Việt kiều có nhu cầu đầu bất động sản trong nước phần lớn đã lớn tuổi. Đây có thể là những người đã di cư ra nước ngoài từ nhiều năm trước và hiện đang sở hữu một lượng tài sản nhất định, nên cân nhắc đầu tư trở lại nước nhà. Ngoài ra, một số người khác lại mua bất động sản để phục vụ việc an cư tại quê hương.
Trước đây, sau khi Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có hiệu lực, trong đó có nới điều kiện cho người nước ngoài được mua, sở hữu bất động sản tại Việt Nam, chỉ số giá nhà đã tăng vọt. Cụ thể, theo báo cáo của CBRE Việt Nam, sau khi chính sách sở hữu nhà cho người nước ngoài được nới lỏng năm 2015, chỉ số giá nhà đã tăng từ khoảng 4% (năm 2015) lên khoảng 17% vào năm sau đó, rồi lại giảm về khoảng 3%. Thống kê của đơn vị này cũng cho thấy, từ năm 2015 đến quý III/2023, hơn 3.000 người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam, trong đó 90% mua các sản phẩm chung cư. Việt Nam được đánh giá cao về các yếu tố chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
PSG-TS. Nguyễn Hữu Huân đến từ Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, một số Việt kiều có nhu cầu chuyển tiền về để đầu tư vào bất động sản vì nhận thấy giá đang rẻ. Tiêu chí họ chọn mua đều là nhà đất có giấy tờ rõ ràng. Theo ông Huân, trong thời gian tới, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam sẽ tăng cao hơn nữa để đón đầu hiệu ứng chính sách, khi Luật Đất đai 2024 cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được nhận quyền sử dụng đất, được trực tiếp tham gia giao dịch bất động sản trong nước…, mà không cần phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch như trước đây.
Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, việc nới lỏng quy định cho Việt kiều mua nhà, đất trong nước sẽ là động lực thu hút nhiều nhân tài quay trở về Việt Nam cống hiến. Khi đó, thị trường không chỉ đón nhận thêm dòng vốn mà còn hưởng lợi từ nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp đất nước ngày càng phát triển.
Bất động sản dành cho bạn