Hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản huy động vốn của khách hàng với lãi suất cao giống "đa cấp" gây rủi ro. Việc huy động vốn này Bộ Tài chính nên vào cuộc thanh tra xử lý.
Mới đây, tại thị trường Bình Dương xôn xao với dự án được quảng cáo đây là dự án lớn nhất Bình Dương và được cam kết mua lại với lợi nhuận lên đến 25%.
Trước đó, một dự án khác là cũng được quảng cáo cam kết lợi nhuận lên đến 15%/năm. Hầu hết các dự án rao bán chưa có giấy phép xây dựng nhưng vẫn có những cam kết lãi khủng.
Ngoài ra, trên thị trường, một số doanh nghiệp tung ra những lời mời chào hấp dẫn góp vốn đầu tư hưởng lợi nhuận 36%/năm, mua trái phiếu lãi suất 18%/năm. Một vài hình thức kiểu như, khách hàng tham gia gói 1,5 tỷ đồng được nhận lãi 35%/năm trong 24 tháng, tặng xe, sau 42 tháng nhận tiền gốc hoặc BĐS có giá trị tương đương…
Theo các chuyên gia, để che lấp những hạn chế về pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, một số doanh nghiệp đã tung ra chính sách cam kết mua lại sản phẩm cho khách hàng. Tuy nhiên, bài học nhãn tiền cho việc cam kết lợi nhuận chính là vụ lừa đảo của địa ốc Alibaba, và nhiều dự án condotel.
Trước đó, tại Đắk Lắk vẫn cũng từng nổi lên với việc một doanh nghiệp địa ốc “huy động vốn” kinh doanh cho lãi suất “khủng” âm ỉ một thời gian dài. Trong đó, có nhiều dự án huy động vốn lãi suất rất cao. Hình thức của các công ty này khá giống nhau: Mở hội thảo, thuyết trình tại các nhà hàng, khách sạn sang trọng để lôi kéo khách mua các sản phẩm hữu hình như thực phẩm chức năng, đồ gia dụng… hoặc có thể là đầu tư sản phẩm vô hình như tiền ảo bitcoin, BĐS hay kinh doanh nhà hàng, khách sạn… để huy động tài chính. Chiêu trò của các “dự án” này thường lấy tiền của người sau trả cho người trước để tạo lòng tin, kéo thêm nhiều nạn nhân mới vào.
Một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội vừa ban hành quyết định về “chính sách tri ân đặc biệt gói hợp tác kinh doanh”.
Theo đó, khách hàng tham gia gói 3 tỷ đồng, sẽ được hưởng lãi suất tới 35%/năm, nhận trong 24 tháng, được tặng xe Mercedes hoặc căn chung cư trị giá gần 2 tỷ đồng, sau 42 tháng nhận tiền gốc hoặc bất động sản có giá trị tương đương.
Khách hàng tham gia gói 2 tỷ đồng, được nhận lãi 35%/năm trong 24 tháng, được tặng xe Hyundai Santa Fe hoặc bất động sản có giá trị tương đương, sau 42 tháng nhận tiền gốc hoặc bất động sản có giá trị tương đương.
Khách hàng tham gia gói 1,5 tỷ đồng được nhận lãi 35%/năm trong 24 tháng, tặng xe Mazda 3, sau 42 tháng nhận tiền gốc hoặc bất động sản có giá trị tương đương.
Khách hàng tham gia gói 1 tỷ đồng được nhận lãi 35%/năm trong 24 tháng, tặng xe VinFast Fadil, sau 42 tháng nhận tiền gốc hoặc bất động sản có giá trị tương đương. Chính sách này kéo dài từ ngày 1/9 đến 31/10/2020.
Ngoài việc cam kết lợi nhuận thì huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp là kênh gọi tiền về phổ biến tại các doanh nghiệp bất động sản ở thời điểm hiện tại.
Đáng chú ý, mới đây, Tập đoàn Apec phát hành trái phiếu huy động vốn với con số lên tới 3.000 tỷ đồng và lãi suất nhận sau thời hạn 5 năm lên đến 18% đang thu hút sự chú ý của thị trường và nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho thấy, năm 2019, khối doanh nghiệp bất động sản huy động tổng cộng 57.110,7 tỷ đồng bằng trái phiếu, chiếm 19,25% tổng giá trị toàn thị trường. Sang năm 2020, chỉ tính riêng hai quý đầu năm nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã phát hành khoảng 45.590 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 2 tỷ USD.
Vị lãnh đạo này cho biết, các doanh nghiệp này tự nhận mình là làm bất động sản nhưng không rõ làm dự án nào. Bản chất là thành lập doanh nghiệp bất động sản nhưng kinh doanh tài chính bằng huy động vốn.
Mới đây, các địa phương như Lào Cai, Hòa Bình đều phát đi văn bản cảnh báo về Công ty bất động sản Nhật Nam. Công ty này đã thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng tại các tỉnh trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư với lợi nhuận khủng lên đến 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản.
Tuy nhiên Công ty Nhật Nam chi trả lợi nhuận bằng tài khoản cá nhân (hành vi có dấu hiệu vi phạm Luật Quản lý thuế). Cách thức hoạt động của công ty này tương tự mô hình "Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến khi Công ty Nhật Nam hết khả năng chi trả cho nhà đầu tư.
Cụ thể, Nhật Nam đưa ra nhiều gói đầu tư, thể hiện lợi nhuận của khách hàng khi tham gia hợp tác kinh doanh cùng Nhật Nam. Các gói đầu tư được liệt kê có từ thấp nhất 20 triệu đồng, đến cao nhất là 5 tỷ đồng, tất cả các gói này đều đưa ra cam kết về việc trả lợi nhuận mỗi ngày, và sẽ kết thúc sau 24 tháng.
Tiếp đến, một công ty khác có tên đầy đủ là Công ty cổ phần Tập đoàn Fintech Land . Công ty này còn có mức lợi nhuận "khủng" lên tới 226,8%/24 tháng.
Cụ thể, công ty này đưa ra 10 mức hợp đồng, thấp nhất là 10 triệu đồng và cao nhất là 200 tỷ đồng. Đối với mức tối thiểu 10 triệu đồng, nhà đầu tư sẽ được chia lợi nhuận 31.500 đồng/ngày, 945.000 đồng/tháng và 22,68 triệu đồng/24 tháng. Mức lợi nhuận này tương đương 9,45%/tháng và 226,8%/24 tháng. Đối với hợp đồng 200 tỷ đồng, nhà đầu tư sẽ có mức lợi nhuận 630 triệu đồng/ngày, 18,9 tỷ đồng/tháng và 453,6 tỷ đồng/24 tháng.
Vị lãnh đạo thanh tra Bộ Xây dựng phải thốt lên rằng: "Lãi suất này là không tưởng!".
Bất động sản dành cho bạn