UBND TPHCM vừa ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, trong đó, đáng chú ý mức cao nhất sẽ gấp 15 lần bảng giá đất do Nhà nước ban hành.
Tại TPHCM, bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 về cơ bản vẫn giữ nguyên so với giai đoạn 2016-2019. Giá đất ở đô thị cao nhất là 162 triệu đồng/m2 như ở đường Nguyễn Huệ, đường Lê Thánh Tôn 110 - 115 triệu đồng/m2, đường Lê Duẩn 110 triệu đồng/m2, đường Hàm Nghi, Lý Tự Trọng 101,2 triệu đồng/m2… Đây là những số liệu từ bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được điều chỉnh và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2020.
Mức giá này được sử dụng để tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong quản lý sử dụng đất, tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tính tiền bồi thường khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, giá đất này thực tế vẫn đang thấp hơn giá thị trường và thấp hơn nhiều so với giá giao dịch thực tế.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, giá đất quy định trong bảng giá đất vẫn thấp hơn giá đất thị trường từ 30-50%. Theo ông Châu, với các tuyến đường ở trung tâm thành phố hồ Chí Minh, giá đất từng giao dịch thành công cao hơn rất nhiều, thậm chí vượt quá 1 tỉ đồng/m2. Tuy nhiên, ông Châu nhấn mạnh "giá đất này không đại diện cho thị trường". Chủ tịch HoREA lấy ví dụ năm 2014, khi đấu giá 3.000m2 đất trên đường Lê Duẩn, Quận 1 (TP.Hồ Chí Minh), giá khởi điểm là 180 triệu đồng/m2, qua 16 vòng đấu giá có đơn vị trả hơn 400 triệu đồng/m2. "Đây mới là giá đất đại diện do giao dịch thị trường" - ông Châu nói.
Do bảng giá đất Nhà nước ban hành thấp hơn nhiều so với giá thị trường nên các tỉnh, thành phải ban hành nhiều hệ số giá đất để sử dụng cho những mục đích khác nhau. Trong ảnh: Đất trên đường Đồng Khởi (quận 1) có giá gần 1 tỉ đồng/m2 nhưng bảng giá đất chỉ có 162 triệu đồng
UBND TP.HCM vừa ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn TP trong năm 2022.
Trong đó, hệ số điều chỉnh giá đất ở tại TP Thủ Đức và các quận từ 3 - 15 lần, hệ số điều chỉnh cho đất ở của 5 huyện ngoại thành từ 8 - 15 lần bảng giá đất do Nhà nước ban hành.
Hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp từ 7 - 35 lần giá đất trong bảng giá do UBND TP ban hành.
So với năm 2021, hệ số điều chỉnh giá đất để xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư năm nay có phần cụ thể và sát thực tế hơn, hệ số điều chỉnh giá đất ở đô thị cũng cao hơn.
Quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho một dự án, các cơ quan chức năng phải định giá đất cụ thể cho khu vực chuẩn bị giải phóng mặt bằng để xây dựng dự thảo phương án bồi thường. Sau đó, dự thảo phương án này được đưa ra lấy ý kiến của người dân và tiếp thu điều chỉnh cho phù hợp.
Từ nay, các địa phương sẽ sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất này để xây dựng dự thảo phương án bồi thường, đưa ra lấy ý kiến của người dân, không phải thẩm định giá cho từng dự án cụ thể. Áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất này sẽ rút ngắn được thời gian lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các dự án. Hệ số điều chỉnh giá đất xây dựng phương án bồi thường sẽ được ban hành đầu mỗi năm để áp dụng cho cả năm. Đây không phải là giá đất cụ thể để bồi thường cho người dân.
Bất động sản dành cho bạn