Trước khi bộ ba Luật liên quan đến bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8, thị trường bất động sản đã trở nên sôi động hơn đáng kể, với lượng tìm kiếm và giao dịch tăng mạnh ở nhiều phân khúc.
Trong Báo cáo thị trường Bất động sản Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2024 vừa được Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) công bố, cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản vẫn đang bám sát tiến trình phục hồi với một số “hiện tượng” nổi bật như nhiều dự án nhà ở mới được mở bán, có kết quả giao dịch tốt trên 70%; giá căn hộ chung cư tại hai đô thị đặc biệt liên tục thiết lập mặt bằng cao. ,
Về các phân khúc bất động sản, VARS đánh giá, nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân vốn đã “nóng” lại càng trở nên cấp thiết khi xảy ra hàng loạt vụ hỏa hoạn tại các khu chung cư mini, khu nhà trọ; đất nền một số khu vực “nóng thật”, một số khu vực có dấu hiệu “thổi nhiệt”; sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp ngày càng được khẳng định, xuất hiện nhiều doanh nghiệp có tiềm lực muốn “lấn sân”.
Cụ thể, quý II nguồn cung Nhà ở sơ cấp đạt khoảng 27.335 sản phẩm, với khoảng 19.747 sản phẩm chào bán mới - gấp 3 lần quý trước, còn lại là hàng tồn của các giai đoạn mở bán trước đó.
Cùng với tiến trình phục hồi của thị trường, niềm tin thị trường cũng ghi nhận phục hồi đáng kể, phần “chênh" giữa quan tâm, xem xét và mua bất động sản được rút ngắn, lượng khách hàng quyết định xuống tiền mua bất động sản tăng trưởng rõ rệt trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp trong bối cảnh hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, lãi suất đang duy trì ổn định ở mức thấp, các chủ đầu tư đang mạnh tay triển khai các chương trình ưu đãi hấp dẫn,...
Điều này giúp cho tỷ lệ hấp thụ các phân khúc đều có sự khởi sắc nhẹ. Trong đó, 6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản sơ cấp ghi nhận 20.600 sản phẩm nhà ở được giao dịch thành công. Gấp 3 lần cùng kỳ năm 2023. Riêng quý II, toàn thị trường ghi nhận hơn 14.400 giao dịch thành công, cao gấp 2,4 lần so với quý 1, được đóng góp từ cả nhu cầu đầu tư và nhu cầu ở thực với nhu cầu đầu tư tăng khoảng 30% so với quý trước.
Về giá bán, sau thời gian tăng trưởng nóng ở quý I, giá bán phân khúc nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ tại quý II đã có phần bình ổn hơn. Mức bình ổn này được duy trì trên mặt bằng giá mới, cao hơn.
Cụ thể, dữ liệu nghiên cứu VARS cho thấy, chỉ số giá căn hộ chung cư tiếp tục duy trì xu hướng tăng tại cả Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Theo đó, từ giữa cuối năm 2023, mức tăng trưởng về giá bán của thị trường căn hộ Hà Nội đã bắt đầu tăng và vượt qua mức tăng giá của thị trường TP.HCM. Tính đến quý II/2024, giá bán căn hộ sơ cấp trung bình tại Hà Nội gần tiệm cận mức 60 triệu VNĐ/m2. So với kỳ gốc (Q2/2019), giá bán căn hộ sơ cấp Hà Nội ghi nhận mức tăng vượt bậc với 58%, hơn gấp đôi so với tỷ lệ tăng (27%) của thị trường TP.HCM.
Thị trường căn hộ Đà Nẵng ghi nhận mức tăng trưởng về giá thấp hơn so với hai thị trường Bắc, Nam. Tuy nhiên, trong quý II/2024, chỉ số giá căn hộ chung cư Đà Nẵng cho thấy mức tăng trưởng giá bán bình quân cao hơn TP.HCM.
Số liệu của CBRE Việt Nam cũng cho biết, trong quý II/2024, tại Hà Nội số căn hộ bán được trong nửa đầu năm 2024 đã vượt mức của cả năm 2023. Hơn 10.000 căn giao dịch thành công, gấp 5 lần số căn bán được ở quý trước và cả cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các dự án bung thị trường đều bán hết 80-90% rổ hàng.
Trong khi tại TP.HCM dù “lép vế” hơn về cả nguồn cung lẫn giao dịch nhưng số căn hộ bán được trong 6 tháng đầu năm đạt 80% so với cùng kì cũng là điều đáng nói. Đà phục hồi nằm ở hầu hết các phân khúc từ trung cấp đến hạng sang. Đi cùng với đó, giá sơ cấp và thứ cấp bắt đầu nhích nhẹ ở các dự án. Bức tranh bất động sản vì thế được kì vọng chuyển sang tông sáng kể từ cuối năm 2024 trở đi.
Hay, số liệu thống kê mới đây về nguồn cung và lượng tiêu thụ bất động sản của DKRA Group cũng thể hiện đà hồi phục của thị trường sau chuỗi ngày im ắng.
Như vậy, bức tranh chung của thị trường địa ốc đang dần tốt lên sau hơn 1 năm “đứt gãy” thanh khoản. Cùng với động lực của chính sách thông thoáng, hứa hẹn một chu kì tươi sáng hơn.
VARS cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang duy trì, chờ đợi những “nút thắt” được tháo gỡ để thực sự “khỏe” trở lại.
Dự báo về tình hình hình thị trường thời gian tới, VARS cho hay, thi các bộ Luật có hiệu lực thực thi, tâm lý "chờ đợi" sẽ được tháo bỏ, các chủ thể trên thị trường bắt đầu "rục rịch" chuyển động, các doanh nghiệp phát triển bắt đầu cuộc đua gỡ nút thắt cùng cơ quan quản lý Nhà nước; các chủ đầu tư sẽ tự tin hơn với việc ra hàng; nhà đầu tư có niềm tin trở lại; môi giới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới thay đổi, đáp ứng các quy định mới;…
Đánh giá về các tác động của các bộ Luật liên quan tới bất động sản trong thời gian tới, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, các bộ Luật mới chắc chắn sẽ có tác động tích cực, góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của thị trường. Bởi lẽ các bộ Luật được soạn thảo trong bối cảnh thị trường đang gặp khó khăn, vướng mắc có mục tiêu hướng đến nhằm giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc này. Trên thực tế, nỗ lực giải quyết các vướng mắc, điểm nghẽn được thể hiện trong các đạo Luật vừa được thông qua, tuy chưa đạt tới kỳ vọng, nhưng chắc chắn sẽ phát huy hiệu lực tích cực.
Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhận định, việc đẩy nhanh thời hạn có hiệu lực chính thức của ba bộ Luật trên 5 tháng so với quy định sẽ góp phần tích cực tới thị trường bất động sản. Điều này giúp nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc liên quan tới định giá đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thực hiện Đề án nhà ở xã hội. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Bất động sản dành cho bạn