Trong thời gian gần đây, lãi suất tiền gửi tại ngân hàng đã liên tục giảm mạnh. Do đó, nhiều người có số tiền nhàn rỗi đã bắt đầu chuyển dịch dòng tiền sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản, khi hai kênh này cho thấy những dấu hiệu tích cực.
Khi lãi suất huy động liên tục giảm như hiện nay, với 3 tỷ đồng đang gửi tiết kiệm, chị Thu Phương (Hà Nội) muốn dùng số tiền đó tìm mua một lô đất vùng ven để đầu tư vì cho rằng cất tiền vào đất về lâu dài vẫn sẽ sinh lời hơn gửi tiết kiệm ngân hàng. Thế nhưng, chồng chị lại muốn tranh thủ “vào” một số mã cổ phiếu khi thị trường chứng khoán đang rục rịch đi lên.
“Cuối tháng 7 là đến hạn rút sổ tiết kiệm, hai vợ chồng tôi đang phân vân kênh đầu tư giữa chứng khoán và bất động sản. Tất nhiên thời điểm này không thể nói chuyện x2, x3 tài khoản như trước nhưng dù sao vẫn hơn tiếp tục để ở ngân hàng” – chị Phương băn khoăn nói.
Với góc nhìn của người kinh doanh, anh Nguyễn Văn Tân (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – một nhà đầu tư BĐS cho hay hiện nay đã có ngân hàng chào anh gói lãi suất cho vay mới mua BĐS chỉ khoảng 9%/năm. Đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay nhưng anh vẫn dè chừng, chưa dám xuống tiền.
“Tình hình sản xuất, kinh doanh rất ảm đạm, thu nhập của người dân giảm, sức mua giảm. Bản thân công ty nơi tôi làm việc hiện cũng đang cầm cự để không lỗ. Tôi biết, hiện có nhiều BĐS chủ đang rao bán, giảm giá, cắt lỗ vẫn không có khách mua nên dù có tiền nhàn rỗi hay phải vay thì đầu tư vào BĐS lúc này vẫn là khá rủi ro. Bởi, dù lãi suất giảm nhưng với BĐS bây giờ để chờ tăng giá trị phải xác định dài hạn 5-10 năm” - anh Tân tính toán.
Ông Phan Thành (quận Hoàng Mai, Hà Nội), một nhà đầu tư BĐS khác thì rạch ròi đưa ra nhận định tuy lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng quan trọng nhất cần xác định mục đích bạn mua để đầu tư hay mua để ở. Với nhà đầu tư là bài toán lợi nhuận, khác với người mua nhà để ở.
Nhà đầu tư thì cốt lõi là khả năng tài chính, trụ được bao lâu để có thể chờ bán được sản phẩm. Mặt bằng giá BĐS hiện nay vẫn khá cao, những sản phẩm ở vị trí tốt thì giá lại không giảm đáng kể. "Thị trường thì không biết bao giờ mới bán được giá tốt nên mua vào thời điểm này vẫn như chơi dao 2 lưỡi” - ông Thành nói.
Vậy, thời điểm này, gửi tiết kiệm ngân hàng có phải là phương án lợi nhất, hơn tất cả các kênh đầu tư khác hay không? Đầu tư bất động sản lúc này có hơn là gửi tiền vào ngân hàng?
Sau động thái hạ lãi suất điều hành lần 4 của NHNN trong tháng 6 vừa qua, các ngân hàng thương mại đang khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung.
Mức lãi suất niêm yết tại hầu hết nhà băng đã giảm rất nhanh. Khảo sát về biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm trên các website của các ngân hàng trong nước vào 4/7/2023 cho thấy, lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm so với hồi tháng 6 vừa qua. Ở nhóm Big 4, lãi suất tiết kiệm cao nhất từ kỳ hạn 12 tháng trở lên chỉ còn 6,3%/năm.
Ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, việc điều chỉnh giảm lãi suất diễn ra với biên độ rộng hơn, từ 0,1 - 1,4%/năm tuỳ ngân hàng. Tính chung từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động 12 tháng niêm yết tại các ngân hàng đã giảm tuyệt đối khoảng 1,5 - 3 điểm %. Đến nay, mức lãi suất huy động 8%/năm trở thành "hàng hiếm" trên thị trường ngân hàng.
Lãi suất tiền gửi đi xuống đã làm giảm tính hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm. Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 1-1,3%, từ đó kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy một phần dòng tiền từ các kênh đầu tư tiền gửi sang kênh có mức sinh lời tiềm năng cao hơn như chứng khoán, bất động sản...
Anh Thanh, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho biết kể từ đầu tháng 5/2023, anh đã chuyển dịch số tiền 2 tỉ đồng gửi tiết kiệm sang đầu tư chứng khoán khi nhận thấy thị trường có dấu hiệu ấm lên. Nhà đâu tư này cho biết nhờ xuống tiền đúng thời điểm nên chỉ sau quãng thời gian gần 2 tháng, nhiều mã cổ phiếu anh đang nắm giữ đều đang có lãi từ 10-20%. Anh Thanh cũng cho biết sẽ tiếp tục nắm giữ cổ phiếu của mình bởi nhận thấy xu hướng dòng tiền đổ vào chứng khoán vẫn đang tăng mạnh và các mã cổ phiếu đầu tư đều thuộc diện đầu ngành nên khá yên tâm.
Tương tự, anh Chính một nhà đầu tư chứng khoán khác tại Nam Định cũng cho biết khoản đầu tư hơn 500 triệu đồng của mình vào chứng khoán cũng đang sinh lời đáng kể khi xuống tiền đầu tư vào một số mã cổ phiếu ngành thép và ngân hàng trong thời gian gần đây. Trên các diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cũng liên tục khoe khoản lãi đáng kể từ 10 đến 25% chỉ trong một thời gian ngắn xuống tiền đầu tư vào sân chơi nóng. Thậm chí một “cá mập” cho biết đang có khoản lãi gần 13 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thép. Theo đó, khoản đầu tư hơn 25,5 tỷ đồng hiện đã tăng lên hơn 38,4 tỷ đồng, tương đương mức lãi gần 13 tỷ đồng (lãi hơn 50%) khi mã cổ phiếu này kết thúc phiên giao dịch ngày 7/7 vừa qua với mức giá 27.450đ/cổ phiếu.
Sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư cũng giúp thanh khoản thị trường chứng khoán trong tuần giao dịch gần nhất đạt trung bình hơn 15.548 tỷ đồng trên HoSE, tăng nhẹ so với tuần liền trước. Trên sàn Hà Nội, giá trị giao dịch trung bình của HN-Index cũng đạt hơn 1.600 tỷ đồng.
Cùng với sự sôi động của thị trường, số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán mở mới cũng tăng mạnh. Tháng 6 ghi nhận gần 146.000 tài khoản được mở mới, tăng 40% so với tháng 5 và là mức cao nhất trong 9 tháng. Tính đến cuối tháng 6, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,25 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 7,2% dân số.
Bất động sản dành cho bạn