Thị trường bất động sản vốn chuyển động không ngừng, giới quan sát thị trường cho rằng cần xác định rõ các nguồn vốn quan trọng để tháo gỡ nút thắt cho nguồn cung mới.
Thị trường bất động sản Việt Nam đã hình thành và phát triển được một thời gian khá dài, trải qua không ít những thay đổi, thăng trầm. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức và đầy biến động nhưng nhìn chung, toàn cảnh thị trường bất động sản thời gian qua phát triển khá ổn định, lành mạnh, hình thức chuyên nghiệp hơn và đang dần thể hiện được vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước, đồng thời là động lực cho sự phát triển của các ngành nghề khác.
Tuy nhiên giai đoạn từ năm 2018 đến nay, sức mua thị trường bất động sản có dấu hiệu sụt giảm. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do các ngân hàng siết tín dụng; yêu cầu cao hơn của khách mua về sản phẩm, thiết kế, điều kiện bàn giao, tiện ích dự án…; sự cạnh tranh từ nguồn cung lớn của các đại dự án và năng lực thực hiện dự án; sự xuất hiện những vụ bê bối của các công ty bất động sản làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý, hành vi của người mua và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến sự phát triển kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng.
Trong số các kênh đầu tư phổ biến trên thị trường hiện nay, bất động sản vẫn được xem như một kênh đầu tư an toàn, giúp tích trữ tài sản với tiềm năng tăng lợi nhuận trong tương lai.
Tuy nhiên, tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, cho biết từ đây đến cuối năm, nguồn cung sẽ không nhiều.
Nguồn cung trên thị trường hạn chế dẫn đến việc tăng giá bất động sản từ 20-30% so với các năm trước.
Việc tăng giá đến từ nhiều yếu tố như giá xăng dầu, vật liệu xây dựng và nhân công đều tăng, cuộc chiến tranh địa chính trị giữa Nga và Ukraine, lạm phát.
“Nguồn cung mới trên thị trường khá hạn chế, chủ đầu tư tăng giá bán, người mua sơ cấp kỳ vọng giá trị gia tăng do lạm phát, giá cả nguyên vật liệu xây dựng gia tăng. Đây là những diễn biến trong thị trường vừa qua và một năm trở lại đây, đặc biệt là bất động sản nhà ở”, ông Khương nhận định.
Theo ông Khương, giá bất động sản tăng trong thời gian vừa qua là tăng theo tính tịnh tiến và tiệm cận. Điều đó có nghĩa giá bất động sản không tăng nóng như các năm trước (tăng một lúc từ 10-15%) mà giá sẽ tăng vài phần trăm hàng tháng.
Tuy nhiên, khi nhìn lại thị trường trong suốt một năm thì bất động sản tăng giá từ 20-25%. Đây chính là diễn biến thị trường trong thời gian qua.
Từ đây đến cuối năm, thị trường sẽ không thay đổi nhiều so với 6 tháng đầu năm khi nguồn cung bị hạn chế, ngân hàng vẫn mạnh tay thắt chặt tín dụng.
“Ở một góc độ khác, thị trường bất động sản tăng nhưng tính thanh khoản lại chậm do người có nhu cầu mua ở thực khó có khả năng chi trả. Đây là một vấn đề chúng ta cần nhìn ở thị trường ở góc độ cung cầu, tính thanh khoản và giá cả”, ông Khương nhấn mạnh.
Cũng theo ông Khương, hiện nay các ngân hàng cũng đang rà soát khả năng cho vay với bất động sản. Nếu những chính sách vĩ mô như chính sách tài khóa, tiền tệ thay đổi và vướng mắc pháp lý của dự án được giải quyết thì thị trường mới có tín hiệu tích cực hơn. Các doanh nghiệp khác về xây dựng, dịch vụ cũng sẽ hưởng lợi từ doanh nghiệp bất động sản.
Để phát triển một dự án bất động sản, các chủ đầu tư cần vốn chủ sở hữu, vốn vay từ ngân hàng, vốn từ các đối tác và vốn nhận thu trước từ khách hàng. Đây là những nhóm vốn chính để triển khai các dự án bất động sản nhà ở. Trong đó, phần lớn nguồn vốn đến từ vay ngân hàng.
“Xu hướng siết dần dòng vốn tín dụng của nhiều ngân hàng sẽ làm thị trường khó khăn hơn. Tuy nhiên, các nhà phát triển sẽ xoay sở để giải quyết vấn đề này thông qua nhiều hình thức khác nhau”, ông Khương đánh giá
Theo ông Khương, có 3 vấn đề mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng quan tâm không riêng gì bất động sản. Đó là vốn, con người và kỹ thuật.
Lĩnh vực bất động sản sử dụng nguồn vốn rất lớn để thực hiện dự án. Việc ngân hàng siết chặt nguồn vốn sẽ làm cho thị trường gặp khó khăn.
Ngoài ra, theo chuyên gia Savills, khó khăn lớn nhất của thị trường hiện nay, bên cạnh nguồn vốn, là vấn đề pháp lý của dự án. Yếu tố này tác động trực tiếp đến tiến độ của dự án bất động sản tại Việt Nam.
Nhiều dự án đã được chuyển nhượng thành công nhưng để phê duyệt dự án từ bước có chủ trương cho đến khi có được giấy phép xây dựng lại mất từ 3-5 năm.
Vì vậy, Chính phủ cần đưa ra những hướng giải quyết để giúp doanh nghiệp bất động sản có cơ hội tạo ra giá trị và bổ sung nguồn cung mới, phục vụ nhu cầu nhà ở cho người dân.
Theo ông Khương, với những chính sách của nhà nước như chính sách tài khóa, tiền tệ, pháp lý trong 3-5 năm tới, với giả định khó khăn như hiện nay thì nguồn cung sẽ không nhiều.
“Các đô thị lớn sẽ dần mất sức hút và tính cạnh tranh so với các vùng lân cận. Khi đó, bài toán nhà ở sẽ được phân bổ ở các đô thị vệ tinh, tạo nên một bài toán khó cho các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội”, ông Khương nhận định.
Về bức tranh nhà ở trong dài hạn, chuyên gia Savills cho rằng bất động sản nhà ở tại đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và Nha Trang nhận được sự quan tâm của người dân đến sống và làm việc.
Do đó, bài toán nhà ở sẽ đòi hỏi một nguồn cung rất lớn và cần được ưu tiên lên hàng đầu.
Bất động sản dành cho bạn