Bất động sản chăm sóc sức khỏe là loại hình bất động sản mới vừa xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, loại hình này chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có.
Phân tích của công ty nghiên cứu thị trường Kantar vào năm 2020 cho biết, diễn biến của dịch Covid - 19 cùng những lần giãn cách xã hội đã tác động mạnh đến lối sống, hành vi của con người. Nếu trước đây, việc chăm sóc sức khỏe chỉ dừng lại ở việc “có bệnh mới chữa”; giờ đây, xu hướng chăm sóc sức khỏe chủ động trong thói quen sinh hoạt, ăn uống, sử dụng dịch vụ, thậm chí là sự lựa chọn loại hình du lịch hay lựa chọn nhà ở của không ít người, đều hướng tới mục tiêu làm cho cơ thể được khỏe hơn, trẻ hơn, tăng cường sức đề kháng hơn.
Chỉ riêng với du lịch, lĩnh vực này đã có sự chuyển biến đáng kể sau đại dịch. Thay vì du lịch trải nghiệm thông thường như trước, xu hướng quan tâm đến du lịch y tế ngày càng phổ biến khi tốc độ tăng trưởng kép của thị trường du lịch này lên đến 11.7% và đạt 35.77 tỷ USD trong năm 2022. Theo Viện Sức khỏe Toàn cầu (GWI), ngành du lịch chăm sóc sức khỏe thế giới dự kiến cũng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm cao nhất giai đoạn 2020 - 2050, đạt mức 20.9%.
Không nằm ngoài xu hướng của thế giới, người Việt Nam cũng có nhu cầu chăm lo sức khỏe và dần tìm đến các nước tiên tiến để được chăm sóc bằng những phương pháp y học hiện đại: ngăn ngừa bệnh với các liệu pháp trị liệu bằng tế bào gốc, chăm sóc sắc đẹp không xâm lấn, điều trị xương khớp bằng công nghệ mới…
Chị Liêm (41 tuổi, ở Hà Nội) vừa có chuyến đi cùng gia đình sang Singapore, chia sẻ: “Cho cả gia đình đi du lịch chỉ là một phần, chủ yếu tôi muốn tôi và các con đi tầm soát tổng quát bằng phương pháp giải mã biểu đồ gen để sớm phát hiện những rủi ro gây bệnh. Nhờ vậy tôi sẽ hiểu rõ được các chế độ dinh dưỡng và chăm sóc phù hợp cho mỗi thành viên. Ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống của tôi giờ đây là sức khỏe.”
Ước tính mỗi năm, có hơn 40,000 người Việt Nam chi hơn 2 tỷ USD để ra nước ngoài khám chữa bệnh (Theo số liệu Cục khám chữa bệnh năm 2018). Con số này dự kiến sẽ còn gia tăng khi Việt Nam hiện đang nằm trong top 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng người giàu nhanh nhất thế giới giai đoạn 2018 - 2023.
Theo ông Nguyễn Hoàng, chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam, để bất động sản du lịch chăm sóc sức khoẻ tăng trưởng tốt, việc đầu tiên cần phải xây dựng chính sách phát triển tổng thể du lịch chăm sóc sức khoẻ - wellness tourism đi cùng với chiến lược phát triển du lịch chung quốc gia đến 2025 và định hướng 2030. Mặc dù nhiều doanh nghiệp mạnh và tiềm lực to lớn nhưng vẫn cần phải có một chiến lược chung của quốc gia về lĩnh vực/ngành du lịch này để không gặp phải mạnh ai nấy làm.
Đề xuất thứ hai mà ông Hoàng đưa ra, trong tổng thể quy hoạch phát triển du lịch hoặc quy hoạch sử dụng đất đai quốc gia cần phải có quy hoạch đất đai cho du lịch gắn liền với việc bảo tồn tài nguyên– môi trường thiên nhiên, đặc biệt trong bối cảnh nhiều cảnh báo về rủi ro biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết cực đoan, nhiệt độ trái đất ấm dần lên, nước biển dâng, lũ lụt … vân vân…
Trong khi đó, TS. Cấn Văn Lực đề xuất giải pháp như sớm hoàn thiện quy hoạch, trong đó có quy hoạch đất đai và BĐS, trong đó có BĐS nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe...
Theo ông Lực, cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi các Luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi…đồng thời Chính phủ xem xét, chỉ đạo sớm xây dựng hướng dẫn, khung pháp lý quản lý và phát triển các mô hình quỹ đầu tư BĐS, đầu tư trên nền tảng số, gọi vốn cộng đồng, mua chung BĐS.
Ngoài ra, ông Lực cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần tập trung xây dựng các dự án BĐS chăm sóc sức khỏe với sản phẩm độc đáo, phù hợp; với phương án huy động vốn, sử dụng vốn khả thi, hiệu quả với chất lượng dịch vụ tốt, được quản lý bởi thương hiệu có danh tiếng.
Bất động sản dành cho bạn