Do quá trình giải phóng mặt bằng kéo dài nên các dự án hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ thậm chí không triển khai được. Do vậy, TP.HCM mong muốn giải phóng mặt bằng nhanh chóng để các dự án được bức tốc.
TPHCM có nhiều dự án hạ tầng giao thông bị chậm triển khai, giãn tiến độ, thậm chí là "đắp chiếu"… mà một trong những nguyên nhân chính là công tác giải phóng mặt bằng kéo dài.
Đơn cử dự án Vành đai 2, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (Thành phố Thủ Đức) dài 2,7km, triển khai từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn đang dang dở.
Công trình đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỉ đồng. Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư khiến dự án dừng từ tháng 3.2020 đến nay, khi đạt khoảng 44% khối lượng.
Tương tự, cầu Nam Lý dài 650 m, rộng 20 m trên đường Đỗ Xuân Hợp (Thành phố Thủ Đức), tổng mức đầu tư hơn 857 tỉ đồng, được xây dựng để thay cầu Cống đập Rạch Chiếc nhỏ hẹp và xuống cấp. Dự án khởi công cách đây 6 năm nhưng phải dừng từ năm 2019 khi mới hoàn thành khoảng 39% khối lượng do vướng mặt bằng.
Nhiều dự án sau nhiều năm "đắp chiếu" vì vướng mặt bằng dẫn tới đội vốn. Cầu Tăng Long dài gần 800 m trên đường Lã Xuân Oai cũng trong tình trạng tương tự. Dự án này khởi công cách đây 5 năm, nhưng hiện mới đạt 30% khối lượng do vướng mặt bằng.
Hiện dự án đội vốn khủng từ 450 tỉ đồng lên 688 tỉ đồng (tăng 238 tỉ đồng). Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật từ 99,5 tỉ đồng lên 337,7 tỉ đồng.
Tương tự, hai dự án giảm kẹt xe cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất là mở rộng đường Cộng Hòa và Hoàng Hoa Thám được phê duyệt từ tháng 8.2017 nhưng chưa thể làm vì vướng mặt bằng. Việc chậm trễ này khiến tổng mức đầu tự 2 dự án tăng thêm hàng chục tỉ đồng do phát sinh chi phí bồi thường.
TPHCM muốn được hoán đổi đất cho người bị di dời trong bồi thường, giải phóng mặt bằng và tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án độc lập, để giúp các dự án giao thông bứt tốc.
Để gỡ “nút thắt" trong công tác giải phóng mặt bằng, UBND TPHCM đã xây dựng nhiều nội dung trong lĩnh vực đất đai để đưa vào dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù thay thế Nghị quyết 54.
Theo đó, TPHCM đề xuất được bồi thường bằng cách giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, hoặc bồi thường bằng đất có mục đích sử dụng khác với loại đất thu hồi theo tỉ lệ phần trăm.
UBND TPHCM cho biết, hiện thành phố đang và sẽ triển khai rất nhiều dự án có kinh phí rất cao trên 10.000 tỉ đồng, riêng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm từ 50 – 70%.
Tuy nhiên, khả năng cân đối nguồn vốn của TPHCM còn hạn chế do phải điều tiết cho các dự án trọng điểm cấp bách như: Vành đai 3, chống ngập, metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương),…
Do đó, phương án hoán đổi đất cho người dân bị di dời trong bồi thường, giải phóng mặt bằng như một mũi tên nhắm 2 đích: Nhà nước không cần phải chi một số tiền quá lớn để đầu tư các công trình; Người dân có đất bị thu hồi nhận được bồi thường xứng đáng. Từ đó, rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, tái định cư, giải phóng mặt bằng và khắc phục tình trạng các dự án "treo", dự án bị kéo dài.
Ngoài ra, TPHCM cũng muốn được tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập với các dự án nhóm B. Việc này giúp các dự án được triển khai trên mặt bằng sạch, thuận lợi cho công tác xây dựng, thi công, đảm bảo tiến độ không bị đứt gãy do phải chờ mặt bằng.
Bất động sản dành cho bạn