Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 được UBND TP.HCM lên lộ trình cụ thể theo hướng đa trung tâm.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) vừa trình dự thảo Quy chế quản lý kiến trúc TP.HCM để lấy ý kiến của các Sở, ngành. Trong đó, khu trung tâm mới của TP.HCM bao gồm khu vực nội thành hiện hữu 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đơn vị này xác định, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là khu trung tâm mới, hiện đại và mở rộng của trung tâm TP.HCM. Đây là khu có chức năng là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của TP.HCM và khu vực, đồng thời là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí. Ngoài ra, khu Thủ Thiêm sẽ đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm hiện hữu 930 ha còn hạn chế phát triển.
Đối với khu trung tâm hiện hữu 930 ha được chia thành 5 phân khu để quản lý kiến trúc. Cụ thể, tại khu trung tâm 930 ha (gồm một phần các quận 1, 3, 4, Bình Thạnh) sẽ phát triển không gian ngầm ở đường Nguyễn Huệ với nhiều tầng.
TP HCM với vị thế trung tâm kinh tế - tài chính của Việt Nam, cũng là thành phố có dân số và mật độ dân cư nhất cả nước, với số dân khoảng 9 triệu người, mật độ xây dựng 4.300 người/km2. Theo định hướng quy hoạch chung của TP HCM, đến năm 2060, dân số thành phố sẽ đạt khoảng 16 triệu người, trở thành một trung tâm tài chính dịch vụ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ quy hoạch theo mô hình “đa cực” – nghĩa là thành phố sẽ có nhiều trung tâm. Tại khu vực nội thành, các không gian ngầm quanh khu vực nhà ga Metro sẽ được cải tạo và phát triển để tạo thành các trung tâm thương mại, tiện ích gắn với phương tiện công cộng.
Bên cạnh đó, thành phố HCM sẽ phát triển thêm các trung tâm khác về 4 hướng: Đông, Nam, Tây Bắc và Tây Nam.
– Phía Nam (quận 7, Nhà Bè)
Đối với khu vực phía Nam (quận 7, Nhà Bè), thành phố sẽ phát triển hạ tầng kỹ thuật để phục vụ tiêu thoát nước. Kế hoạch này được đề ra dựa trên tình hình thực tiễn tại đây. Ví dụ như địa hình khu vực có nhiều sông ngòi, kênh rạch, điều kiện thủy văn tốt, quỹ đất phát triển đô thị nhiều.
– Phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức)
Khu vực này phát triển theo hành lang cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đồng thời phát triển các khu đô thị mới dọc Xa lộ Hà Nội, nổi bật là khu Công viên phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM, khu công nghệ cao.
– Phía Tây Nam (Tân Phú, Bình Chánh, Bình Tân)
Khu vực này chỉ phát triển hạ tầng kỹ thuật phù hợp. Từ đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng hiện tại của người dân. Đồng thời, đảm bảo thành phố có được những yêu cầu cần thiết để phát triển bền vững. Đồng thời, hỗ trợ những khu vực khác trong thành phố về việc tăng trưởng nhanh trong thời gian tới.
– Phía Tây Bắc (quận 12, Củ Chi, Hóc Môn)
Khu vực này có điều kiện tự nhiên tốt, quỹ đất phù hợp để phát triển các khu đô thị mới. Đồng thời tiến hàng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với hạ tầng xã hội. Đây được xem là một trong những vấn đề quan trọng, được chú ý ở khu vực Tây Bắc của thành phố.
Ngoài ra, thành phố còn xác định tiềm năng phát triển du lịch sinh thái dọc theo sông Sài Gòn. Khu biển Cần Giờ và các vùng bảo tồn thiên nhiên chính là trọng điểm cần được giữ gìn bởi thành phố. Đồng thời, những khu vực cần phát triển khác cũng được trú trọng để đảm bảo người dân được sống trong điều kiện kinh tế tốt nhất.
Có 7 yêu cầu trọng tâm được đặt ra cho công tác điều chỉnh quy hoạch chung.
Thứ nhất, rà soát tổng thể về nội dung quy hoạch chung đã được phê duyệt năm 2010, đánh giá tình hình thực tiễn phát triển của thành phố; các quy hoạch trên địa bàn thành phố đã được lập và phê duyệt; rà soát định hướng phát triển không gian đô thị, quy hoạch sử dụng đất, công tác đầu tư hạ tầng kỹ thuật và xã hội của thành phố.
Thứ hai, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, trong bối cảnh phát triển của khu vực, các cơ hội phát triển mới, đảm bảo định hướng phát triển hài hòa với chiến lược phát triển bền vững kinh tế vùng, phát triển đô thị sáng tạo tương tác cao, đô thị thông minh, đô thị phát triển bền vững.
Thứ ba, nghiên cứu trên nền đô thị đã hình thành và phát triển qua nhiều thời kỳ, đề xuất một bản quy hoạch điều chỉnh mang tính khả thi cao, phù hợp với tầm nhìn và linh hoạt ứng phó với các biến động; điều chỉnh việc sử dụng đất có hiệu quả hơn, tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất và bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai.
Thứ tư, triển khai những chủ trương, định hướng quan trọng của thành phố có liên quan đến quy hoạch, phát triển đô thị và phát triển kinh tế xã hội; phối hợp các chương trình, dự án quan trọng của thành phố trong một khung phát triển có tầm nhìn dài hạn và có tính thực thi cao.
Thứ năm, cập nhật những nội dung điều chỉnh cục bộ của quy hoạch chung thành phố trong quá trình thực hiện vừa qua trong một tổng thể quy hoạch đồng bộ; phát huy được những cơ hội và khắc phục, điều chỉnh những hạn chế.
Thứ sáu, đặc biệt, lần này sẽ xác định, đề xuất một kế hoạch ưu tiên thực hiện quy hoạch rõ ràng, cụ thể gắn với nguồn lực thực hiện; lựa chọn những vấn đề bất cập ưu tiên giải quyết (về liên kết vùng, phân bố dân cư, nhà ở, chất lượng sống, giao thông đô thị, quản lý ngập, sử dụng tài nguyên…), cải thiện hiện trạng và đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế - xã hội thành phố.
Cuối cùng, yêu cầu phối hợp, cập nhật về dữ liệu, dự báo và định hướng phát triển thành phố với nội dung quy hoạch Tp.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tp.HCM sẽ là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm tài chính và dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương, là thành phố có chất lượng sống tốt, môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bất động sản dành cho bạn